Tác giả 'Để yên cho bác sĩ hiền' hóa ra rất hiền
Cũng phải hẹn hò, thư qua thư lại đến cả tháng trời, tôi mới gặp được bác sĩ Ngô Đức Hùng - bác sĩ bận, đương nhiên rồi. Vừa là một bác sĩ ở A9 Bệnh viện Bạch Mai lại vừa là giảng viên Đại học Y lại còn là một hot facebooker, chuyên 'chiến đấu' với nhóm 'các mẹ' tuyên truyền sống thuận tự nhiên, anti vaccine hay là thực dưỡng chữa ung thư. Đó là một buổi chiều mà Hùng vừa đi nhận giải thưởng Giảng viên của năm 2019 - Trường Đại học Y Hà Nội.
Tưởng không hiền mà hóa rất hiền
Bác sĩ Ngô Đức Hùng được cộng đồng mạng xã hội biết đến với cái tên Hùng Ngô hay là bác sĩ Húng Ngò. Trong câu chuyện khá dài buổi chiều mà tôi gặp Hùng, tôi cũng quên chẳng hỏi cái tên Húng Ngò ấy từ đâu ra. Là Hùng tự đặt cho mình hay “nhóm các chị em thực dưỡng chữa ung thư” không ưa Hùng đặt cho, rồi Hùng thấy hài hước thì nhận và đăng ký bản quyền luôn.
Hùng đến cuộc hẹn đúng giờ, không sai một phút. Gặp Hùng, tôi chuẩn bị tinh thần trước, rằng người mà mình sẽ trò chuyện kia rất đanh đá. Rất không ưa nhà báo. Từng câu, từng chữ viết ra đều sâu cay, ngoa ngoắt… Hóa ra tôi nhầm, bác sĩ Hùng ngoài đời có dáng vẻ thư sinh, hiền lành. Ăn nói nhỏ nhẹ và hay cười.
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện về những áp lực ở phòng cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Tôi cũng đã có dăm lần vào đó chăm người nhà viêm tụy cấp, đã chứng kiến núi công việc mà các bác sĩ ở đây phải đảm đương. Tôi hỏi Hùng, làm sao để thích nghi, Hùng nói khá lạnh lùng nhưng đúng: “Hoặc là quen với áp lực hoặc là bị đào thải”. Rồi Hùng kể, sau một thời gian dài làm bác sĩ nội trú, chứng kiến trăm cảnh đời, ngàn số phận nơi phòng cấp cứu, Hùng bị stress nặng. Thực ra, hầu hết các bác sĩ khi lần đầu tiên phải đối mặt với đủ thứ áp lực, những cái chết, máu và cả nước mắt cùng cảm giác bất lực… nơi phòng cấp cứu thì đều có một quãng thời gian stress. Hùng không phải là ngoại lệ.
Rồi một ngày, đùng môt cái Hùng xin nghỉ làm cả ở Bạch Mai lẫn Đại học Y để “về quê làm việc”. Căn nguyên là “Qua nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn, trái tim mình bị khuyết đi một chút, không đến nỗi thảm thương nhưng đủ để thúc đẩy mình ra quyết định không giống ai…”.
10 năm học trên Hà Nội, hành trang trở về quê hương Bắc Ninh là cái balô đựng vài bộ quần áo cùng một thùng sách. Bố, anh rể, chị gái… đón Hùng trở về bằng một nụ cười. Không ai hỏi han gì. 2 năm ở Bắc Ninh, Hùng tha hồ làm những việc mình thích, nào thì gấp giấy origami, nào thì vẽ vời, nào thì chụp ảnh - chụp từ đứa trẻ mới sinh cho đến cụ già sắp về chầu tiên tổ. Chơi chán thì xem ti vi, xem ti vi chán thì ngủ. Lại đùng một cái, thông báo với bố “Con đi làm”. Bố Hùng chắc cũng quen áp lực khi có một cậu con trai tuy là bác sĩ nhưng bản năng lại của nghệ sĩ, chỉ lặng lẽ “Ừ” rồi chăm chú đọc nốt tờ báo.
Cú hích và mảnh khuyết của trái tim đã được lấp đầy
Cái nghề mà Hùng yêu thích từ thủa nhỏ là họa sĩ hoặc là kiến trúc sư, nhưng cả gia đình khi đó nhất quyết không đồng ý. Bố của Hùng làm nghề y thế nên cậu con trai duy nhất trong nhà nhất định phải thi Đại học Y. “Đã bảo Y là Y. Không nói nhiều!”- câu nói như đóng đinh vào cột nhà. Cậu con trai vốn nhát, lại sống dựa vào gia đình, chẳng có cách nào khác là phải nghe lời. Y thì Y. Đang lén bố mẹ học ôn khối A, giờ chuyển sang khối B thì gian nan khôn tả. Mẹ Hùng “áp tải” cậu con trai đến lớp luyện thi môn sinh học, gửi gắm cô giáo rồi mới dám đi về vì sợ quý tử trốn học.
Tưởng thi cho vui, chẳng thể đỗ nên đăng ký hẳn 2 trường là Y Hà Nội và Y Hải Phòng. Thi xong thì gói ghém sách vở để năm sau quyết chí thi lại, ấy thế mà Hùng lại đỗ cả hai trường. Khỏi nói, bố mẹ mừng như nào. Còn Hùng thì bắt đầu sống cuộc đời phải học và học cho đến lúc nào đầu bạc răng long. Bởi lẽ, khoa học thì luôn phải cập nhật. Nghề y không có chỗ cho những người lười biếng. Chỉ cần một phút lơ là, anh sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời mình, thân bại danh liệt. Hơn 1 lần trong cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền” Hùng đã khẳng định “Nghề Y bạc lắm!”.
Rồi Hùng đi làm ở một bệnh viện tỉnh, tất nhiên, sự quyết liệt, nói thẳng, nói thật của Hùng cũng khiến anh bác sĩ trẻ “va” phải một số điều không như mong muốn. Nhưng dường như là số phận sắp đặt hết cả mọi thứ. Ca cấp cứu cậu bé câm đuối nước ấy đã khiến Hùng nghĩ rộng ra, nghĩ thoáng hơn, nghĩ ở đâu đó ngoài kia còn rất rất nhiều người cần đến sự tận tâm của một bác sĩ hồi sức cấp cứu như Hùng.
Sự quyết liệt giữ cậu bé lại ở dưới bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị trong khi tính mạng cậu bé đã “ngàn cân treo sợi tóc”, phổi trắng xóa. Cuộc “kéo co” giữa bác sĩ và Diêm Vương diễn ra trong 20 ngày. Thấy Hùng “cân não” với Diêm Vương, cả khoa xúm vào giúp. Rồi cậu bé tỉnh sau khi khiến mẹ của mình khóc hết "một xô nước mắt". Lần đầu tiên Hùng thấy cậu bé nhìn Hùng, chỉ tay về phía Hùng, nở một nụ cười rồi đặt tay lên ngực của mình. Nụ cười của cậu bé câm, món quà cảm ơn các bác sĩ của gia đình là một thúng bánh đúc cùng lá thư dài 4 mặt giấy khiến cái góc khuyết của trái tim bác sĩ đa cảm đã được lấp đầy.
“Cú hích” đó đã khiến bác sĩ Ngô Đức Hùng nhìn nhận lại được nhiều chuyện, anh phải bước tiếp trên con đường khoa học đầy chông gai. 2 năm trải nghiệm kia không phải ai cũng có được. Không giáo trình nào tốt bằng bài học cuộc sống và “Bệnh nhân dạy cho mình bài học về tình yêu thương con người, bệnh nhân dạy cho mình bài học về chữ nhẫn. Cuộc sống có bạc bẽo mình vẫn hạnh phúc vì thực hiện lý tưởng của riêng mình”.
Cãi nhau để… giảm áp lực công việc
Tôi theo dõi các bài viết của Hùng trên mạng xã hội đã khá lâu. Có lần đọc thì tủm tỉm cười. Có lần đọc xong thì vỡ lẽ, hóa ra những thứ dân gian truyền khẩu đời này sang đời kia mà bản thân từng áp dụng rất phản khoa học. Lại có lần đọc thì phẫn nộ: “Ô hay ông này dở à, cấp cứu người bị co giật không đưa tay vào miệng người ta để người ta cắn vào lưỡi à?" Lúc thì lại nghĩ, gớm bác sĩ rảnh thế, cứ đi cãi nhau với mấy mẹ ủng hộ trào lưu “thuận theo tự nhiên” hay là anti vaccine, thực dưỡng chữa ung thư làm gì cho mất thời gian ra. Lúc lại thấy xót xa cho Hùng, khi thấy “Đốc tờ Húng Ngò” bị “hội chị em bạn dì cùng chí hướng thuận tự nhiên” nhảy vào mạt sát, lôi cả chuyện gia đình, chuyện cá nhân, nhan sắc ra mà chửi bới hả hê.
Hỏi bác sĩ Hùng, thế cứ đi cãi nhau như thế có mất thời gian không? Hùng cười, nụ cười vô cùng hiền lành bảo: “Chị thấy đấy, một tua trực cấp cứu ở A9 thời điểm bây giờ trung bình đón khoảng 120 bệnh nhân. Bệnh nào cũng nặng cả. Có bệnh nhân nặng, chết trước mặt bác sĩ mà không thể làm gì cứu họ. Cảm giác lúc đó kinh khủng lắm… Hàng ngày, em phải đối mặt với đủ thứ áp lực đó thì có thêm vài áp lực nữa từ phía “chị em bạn dì” kia thì cũng thấm tháp gì đâu. Đôi khi với em đó lại là thứ giải tỏa căng thẳng!”.
Đùa vậy thôi, nhưng Hùng lại kể vài ví dụ cực kỳ nghiêm túc. Đó là trường hợp một cô bé mới 16 tuổi, detox để thanh lọc cơ thể theo hướng dẫn trên mạng bằng cách nhịn ăn chỉ uống nước chanh, nước mía. Cô bé nhập viện trong tình trạng ngừng tim, chết não. Từ một người khỏe mạnh bình thường mà lại ra đi theo cách rất vớ vẩn như thế thì cực kỳ đáng tiếc và xót xa. Rồi có một bác đứng tuổi, chữa tiểu đường bằng detox với nước chanh. Nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Thần chết ngấp nghé đầu giường. Bác sĩ căng mình cả tháng trời cứu chữa. Toàn bộ chi phí chữa trị hết 300 triệu mới khỏi bệnh. Nhưng vừa khỏi bệnh thì “nhóm các bạn cùng chí hướng” mang hoa đến chúc mừng detox thành công…
Bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ thêm: ”Những thông tin như thực dưỡng chữa ung thư, detox thanh lọc cơ thể phản khoa học hay anti vaccine là một trào lưu hết sức nguy hiểm. Nếu không một ai lên tiếng phản bác lại cứ để trào lưu đó nhân lên thì hậu quả không biết đâu mà lường”. Bác sĩ Hùng khẳng định, cần phải có ai đó nói lên tiếng nói khoa học chân chính. Phải lên tiếng vì những điều tử tế và đúng đắn trước đã. Không thể để cho những thông tin sai lệch về sức khỏe tràn lan trên mạng.
Hỏi Hùng, bây giờ còn độc thân, chưa có gia đình, mấy nữa bận rộn thêm thì có ngừng chiến với “hội chị em bạn dì” kia không. Hùng cười: “Giờ đang vui, chẳng có lý do gì để dừng cả. Còn tiếp tục đến bao giờ thì đó là thì tương lai. Làm sao mà trả lời được”.
Thời điểm tôi gặp Hùng đó cũng là lúc Hùng đang hoàn thiện cuốn sách thứ 2 mang tên “3 phút sơ cứu”. Cuốn sách khoa học thường thức như một thứ cẩm nang cần thiết cho cả gia đình. Ngày 9-1 tới, cuốn sách sẽ chính thức ra mắt.