Tác giả liên kết xuất bản: Khuyến khích nhưng nội dung cần kiểm soát chặt chẽ
Thay vì gửi bản thảo đến nhà xuất bản (NXB) và chờ 'vận may', thời gian gần đây, một số tác giả đã chủ động tự bỏ kinh phí xin giấy phép, in ấn tác phẩm và tự tìm cách quảng bá, phát hành (tác giả liên kết xuất bản) tác phẩm văn học. Xu hướng này đã giúp tác giả đến gần độc giả hơn nhưng do tác giả tự liên kết để in sách nên khâu kiểm duyệt nội dung phải thật chặt chẽ.
Chọn lối đi riêng đến gần độc giả
Hiện nay, trên thị trường có nhiều đầu sách mới được phát hành không phải từ kế hoạch in ấn của các NXB mà là sự chủ động của các tác giả có nhu cầu in tác phẩm theo ý muốn của mình. Khi đó tác giả có thể kiểm soát được về mặt hình thức, mỹ thuật, cách trình bày, thậm chí họ có thể tự vẽ bìa, tự thực hiện công đoạn theo sở thích để sát với “đứa con tinh thần” của mình nhất.
Theo NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học - 2 đơn vị “đầu mối” xuất bản sách văn học của cả nước, mỗi năm các đơn vị này nhận được hàng chục bản thảo của các tác giả gửi về theo hình thức liên kết xuất bản.
Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực xuất bản, nhà thơ Đặng Thiên Sơn, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội, Giám đốc Công ty sách Tinh Văn Books cho rằng, xu hướng tác giả liên kết xuất bản ngày càng gia tăng. Bởi, cơ chế của Nhà nước có sự cởi mở hơn, hơn nữa sự ra đời của dịch vụ tư vấn xuất bản của các công ty tư nhân đã tạo điều kiện cho tác giả có thể tiếp cận dịch vụ xuất bản một cách nhanh chóng, tiện lợi.
“Hiện nay, số người viết phát triển mạnh mẽ, trong khi các NXB lại kén chọn, dè dặt hơn trong việc xuất bản các cuốn sách văn học (do độc giả không mặn mà với việc đọc thơ, truyện ngắn) khiến các tác giả chọn cho mình lối đi riêng”, nhà thơ Đặng Thiên Sơn phân tích.
Theo thống kê của nhà thơ Đặng Thiên Sơn, mỗi tháng Công ty của anh nhận được từ 10 đến 15 bản thảo của các tác giả gửi về để xin tư vấn liên kết xuất bản. “Xu hướng tác giả liên kết xuất bản ngày càng nở rộ.
Bên cạnh các cây bút trẻ còn có sự xuất hiện có những cây bút đã thành danh, như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân hay gần đây là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Với những cây bút thành danh sẽ có rất nhiều NXB, nhà sách muốn mua bản quyền và trả nhuận bút cao nhưng họ không lựa chọn mà tìm cho mình con đường tự phát hành để có thể được “nghe” cảm giác phát hành thế nào, có thể “đo, đếm” được nhu cầu của độc giả”, nhà thơ Đặng Thiên Sơn nói.
Tuy nhiên, việc bỏ tiền ra để in sách là một trở ngại với các tác giả, nhất là tác giả trẻ, tác giả chưa thực sự có tên tuổi. Khi chia sẻ với PV, các cây bút từng chọn liên kết xuất bản để giới thiệu “đứa con tinh thần” của mình đến độc giả như: Hà Hương Sơn, Nguyễn Thanh Hải, Lê Hải Kỳ đều khẳng định: “Phải liều một phen!”. Tuy nhiên, nhà thơ Lê Hải Kỳ cho rằng: “Dù có phần mạo hiểm nhưng tôi vẫn quyết định in sách với niềm khát khao được giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng một cách nhanh nhất. Trong quá tự phát hành, tôi cũng bắt gặp những câu chuyện đầy xúc động của độc giả khi phản hồi về cuốn sách của mình”.
Với những tác giả có tên tuổi thì vấn đề kinh tế không bị đặt nặng, do họ đã có các đơn vị tài trợ in sách. Vì thế, như nhà thơ Lữ Mai khi xuất bản một số cuốn sách, như: “Nơi đầu sóng -Mắt trùng khơi”, “Trường ca Chư Tan Kra mây trắng”… đã không gặp quá nhiều lo lắng. Theo nhà thơ Lữ Mai, việc tác giả có mối quan hệ với báo chí truyền thông thì đó là một lợi thế để lan tỏa với người đọc. Nhưng với cách này cũng xảy ra hiện tượng là một số tác phẩm viết quá dễ dãi song truyền thông lại “bơm” cuốn sách lên gây ra sự ngộ nhận cho thị trường và chính tác giả.
Tạo nguồn cảm hứng cho người viết
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, có nhiều cách để tác giả có thể đưa “đứa con tinh thần” của mình đến với độc giả như thông qua NXB, hệ thống nhà sách… nhưng những năm gần đây các tác giả đã chọn hình thức tự phát hành để có thể chủ động mang cuốn sách của mình đến với bạn đọc một cách nhanh nhất, nhiều nhất.
“Hệ thống phát hành ở nhà sách chỉ tập trung ở những khu vực thành thị, vậy thì với cách tự phát hành trên trang Facebook cá nhân, tác giả có thể đưa sách của mình đến với độc giả ở vùng sâu, vùng xa. Việc tự phát hành sách sẽ giúp cho các tác giả có những thông tin thú vị, như: Những ai sẽ là người mua sách của mình, bạn đọc đọc sách của mình như thế nào... Tôi cho rằng đó là một khuynh hướng rất hay. Nó tạo ra nguồn cảm hứng giữa người đọc và người viết rất nhiều”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bộc bạch.
Chị Ngô Thu Phương, Quyền Giám đốc, Quyền Tổng biên tập NXB Văn học cho rằng, quy luật thị trường rất rõ ràng, sách hay thì bán được, sách không hay thì không bán được, tất nhiên cũng còn thêm rất nhiều yếu tố nữa như truyền thông hay nhu cầu thị hiếu của từng lớp độc giả. Bởi vậy, với cây bút trẻ phải hết sức cân nhắc, thậm chí khảo sát nhu cầu của độc giả trước khi quyết định xuất bản cuốn sách cũng như số lượng bản in.
“Khi tác giả liên kết xuất bản thì công tác biên tập kiểm soát nội dung phải rất chặt chẽ. Việc tác giả liên kết xuất bản vẫn phải dựa trên nguyên tắc số một là nội dung, chất lượng bản thảo. Không thể vì tâm lý tác giả tự bỏ tiền ra đầu tư mà NXB xuê xoa trong chuyện cấp giấp phép. Với những cuốn sách này, công tác thẩm định, cấp giấy phép phải được thắt chặt hơn để tránh xảy ra sai sót, nhất là vấn đề liên quan đến chính trị”, chị Ngô Thu Phương nhấn mạnh.
Đồng cảm với những khó khăn mà tác giả trẻ gặp phải khi liên kết xuất bản, tuy nhiên, nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.vn) cho rằng, đó là cách kiểm chứng không thể tốt hơn cho việc tác phẩm có thực sự viết đúng-trúng-hay vào vấn đề mà dư luận quan tâm. Nhà thơ Phan Hoàng tin rằng, một tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật cao chắc chắn tác giả sẽ thu hồi được vốn, thậm chí có lãi.