Tác giả 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' bức xúc vì bị nghi đạo thơ
Nhà thơ Tòng Văn Hân, tác giả bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' vừa đoạt giải B cuộc thi thơ 2019 – 2020 bức xúc khi bị cho rằng đạo thơ.
Bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm được trao giải B - giải cao nhất trong cuộc thi thơ 2019 – 2020 đang trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng xã hội. Ngoài chê bai những lời lẽ ngô nghê trong bài thơ thì dân mạng còn cho rằng, bài thơ này đã đạo ý tưởng bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển của tác giả Lò văn Tỉnh.
Liên quan đến nghi vấn này, tác giả Tòng Văn Hân cho hay, ông "cực kỳ bức xúc" và chưa từng đọc một bài thơ nào na ná bài thơ của mình. "Tôi viết không đạo ý tưởng của ai hết. Tôi viết về nếp sinh hoạt, về cách ứng xử của người dân trong cộng đồng của tôi với những người lầm lỗi. Tôi cô đọng lại và viết nên Mẹ tôi chửi kẻ trộm.
Bài thơ của tôi rút trong tập bản thảo xin tài trợ của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2019. Tôi hỏi Hội Văn học nghệ thuật Sơn La thì không có ai tên là Lò Văn Tỉnh. Tôi tìm trên báo Một thế giới, nơi được cho là đăng bài thơ này thì cũng không có", tác giả Tòng Văn Hân cho hay.
Trước đó, ngày 9/4, cuộc thi thơ 2019 - 2020 với 2 giải B (không có giải A) được trao cho 2 tác giả Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song. Đông đảo cư dân mạng và một số nhà thơ, nhà văn cho rằng đây là tác phẩm ngô nghê, dở nhất nước.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng ý tưởng "phúc đức tại mẫu" trong bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, tác giả Tòng Văn Hân viết quá vụng về nên phơi bày sự ngây ngô.
Nhà thơ Tòng Vân Hân chia sẻ, ông không màng tới lời khen chê, các bài thơ ông đều làm bằng tiếng Thái (ông cũng là người chuyên nghiên cứu chữ Thái cổ) để có thể phổ nhạc thành bài hát, sau đó mới dịch ra tiếng Việt. Do vậy mà thơ của ông mang chất mộc mạc, gần gũi với văn hóa của bản, của cộng đồng dân tộc Thái chứ không nặng về thủ pháp, tu từ hay vần điệu và luật lệ…
Theo Trần Đăng Khoa, bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm có tứ rất hay. Khác với những lời chửi cay độc của con người ở nông thôn khi mất gà như đầu tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, bài thơ miêu tả bà mẹ chửi trộm lại rất đặc biệt. Cụ thể, bà mẹ chửi trộm hiện lên rất đẹp, rất nhân văn. Chính vì có bà mẹ nhân ái như thế mà rồi con gái của bà được người mong làm con dâu. Vì họ biết đó là con nhà tử tế, có đạo đức.