Tác giả Nguyễn Thế Kỷ: Đứng trên địa hạt văn chương để xây dựng hình ảnh Bác Hồ

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ dùng sự sáng tạo của văn chương để khắc họa toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác từ thủa ấu thơ đến khi trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” - tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra mắt đúng dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2024).

Bộ tiểu thuyết được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm văn học đương đại đầu tiên phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thủa ấu thơ đến khi trưởng thành, ba mươi năm tìm đường cứu nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Người về nước lãnh đạo nhân dân ta vùng lên giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đi tiếp hai cuộc trường chinh đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nhân dịp này, tác giả của bộ tiểu thuyết - Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã dành cho phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cuộc trò chuyện xoay quanh tác phẩm đồ sộ này.

Đứng trên địa hạt văn chương để kể về Bác

- Thưa tác giả, như vậy là ông đã đi được 3/5 chặng đường tái hiện toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lúc nào ông cảm thấy bị ngợp trước khối tư liệu đồ sộ về Người?

 Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Cũng giống như ở hai tập đầu của bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm," tôi vẫn nhất quán với lối tự sự biên niên sử, chủ động tạo cho mạch truyện trôi theo trật tự thời gian tuyến tính.

Trong sáng tác văn chương, nếu không có hoặc quá ít tư liệu thì tác giả phải vất vả sưu tầm, nghiên cứu; nhưng nếu tư liệu nhiều, phong phú cũng khổ không kém, vì tác giả phải chọn lọc, sắp xếp, cấu trúc giữ cái gì và bỏ cái gì, không để mình bị ngợp trong tư liệu.

Tôi luôn tự xác định rằng mình viết văn chứ không phải chép sử. Văn chương có sự hư cấu, có chất thơ, đi được vào bên trong tư tưởng, tâm hồn, cốt cách nhân vật. Do đó, tôi phải tập trung xây dựng hình tượng trung tâm là Bác và hệ thống các nhân vật, sự kiện xung quanh.

Đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên khắc họa toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp Bác từ thủa ấu thơ, thời thanh niên, 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và sau đó trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tôi đã đi được 3/5 chặng đường và tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng trong việc lựa chọn những gì cần thiết để khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân vật trung tâm của tác phẩm.

 Ba tập trong bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm."

Ba tập trong bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm."

- Viết bộ tiểu thuyết đồ sộ như vậy về cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh hẳn là thách thức lớn đối với bất kỳ tác giả nào. Với ông, khó khăn lớn nhất là gì?

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Thách thức lớn nhất đối với tôi là cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phong phú, sôi động, gắn với những khúc quanh của lịch sử. Như tôi đã nói, tôi cần đứng vững trên địa hạt văn chương chứ không sa vào “bẫy lịch sử”. Sự kiện, nhân vật, bối cảnh lịch sử chỉ là “những cái đinh” để tôi xây dựng nhân vật trung tâm và các nhân vật xung quanh. Tôi phải sử dụng logic của đời sống, logic tự nhiên và xã hội để đi vào chiều sâu bên trong con người của Bác, để khắc họa nổi bật tư tưởng, tình cảm, cốt cách của Người.

Tôi là người kể chuyện, nêu lại những biến cố, những sự kiện quan trọng đã thực sự xảy ra, những con người có thật hay hư cấu xoay quanh nhân vật trung tâm Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Do đó, tôi phải giữ tỉnh táo để không sa vào "bẫy lịch sử," không tô hồng nhân vật của mình như một vị thánh. Bác là một nhân vật vĩ đại nhưng rất đời thường, bình dị, luôn suy nghĩ vì nước vì dân. Bác không chỉ yêu thương người Việt Nam mà còn yêu thương cả nhân loại. Đó là những điều có thật đã được Nhân dân thế giới công nhận.

Văn chương được phép hư cấu, sáng tạo nhưng vẫn phải gắn với lịch sử, không thổi phồng, “thần thánh hóa” nhân vật. Chẳng hạn, nhiều tác phẩm có thể khắc họa sự phi thường của Bác từ khi còn nhỏ, nhưng trong tập 1 “Nợ nước non,” người đọc nhận thấy cậu bé Nguyễn Sinh Cung cũng trong trẻo, ngây thơ như những người bạn cùng tuổi. Cậu bé sớm bộc lộ sự ham học, giàu lòng trắc ẩn, có tình yêu thương gia đình, làng xóm, quê hương, từ đó dần dần phát triển thành chủ nghĩa yêu nước sau này.

Văn chương được phép hư cấu, sáng tạo nhưng vẫn phải gắn với lịch sử, không thổi phồng, “thần thánh hóa” nhân vật....

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ

Dĩ nhiên một vĩ nhân sẽ có những tố chất từ bé, nhưng tôi vẫn chọn cách viết, cách phản ánh chân thành, dung dị và chân thật nhất.

Khắc họa nội tâm Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Ông cho rằng mình có lợi thế như thế nào khi bắt tay viết bộ tiểu thuyết lớn này?

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Tôi không chỉ là một nhà văn mà còn là một người hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ, báo chí do đó tôi có những tích lũy nhất định về kiến thức, tư duy, phương pháp để nhìn sự kiện, tình huống, nhận nhân vật của mình một cách đầy đủ nhất có thể, trong tính hệ thống hợp lý nhất có thể. Tôi không cố gắng tô hồng hình tượng của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quá vĩ đại vì Người luôn thể hiện mình là một người bình dị, đời thường, gần gũi. Bác không bao giờ là một vị thánh.

Tôi quê ở Yên Thành, nhưng gần 25 năm trước, khi đang làm Tổng Biên tập báo Nghệ An, tôi được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, quê hương của Bác Hồ. Tôi say mê nghiên cứu chính trị, văn hóa, lịch sử, địa lý, địa chí, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… nên đã chủ động sưu tầm, tìm hiểu nhiều tư liệu quý về Bác Hồ và một danh nhân vĩ đại nữa cũng ở đất Nam Đàn là Mai Hắc Đế. Sau này, xa Nam Đàn, xa Yên Thành, xa xứ Nghệ để ra Hà Nội, tôi vẫn đau đáu, vẫn cần mẫn sưu tầm, ghi chép, viết lách, sáng tác về đất và người quê mình. Cụ thể là tôi đã có một vở kịch hát đồ sộ mang tên “Mai Hắc Đế” (2014); một vở nữa cùng cuốn tiểu thuyết có cùng tên gọi “Hừng Đông” (2016) về nhà cách mạng tiền bối xuất sắc Phan Đăng Lưu; một vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh mang tên “Hoa Lửa Truông Bồn” (2018), và mấy năm gần đây là bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” (từ 2022 đến 2025 thì xong).

 Hình tượng bà Hoàng Thị Loan và cậu bé Nguyễn Sinh Cung trong vở "Nợ nước non." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hình tượng bà Hoàng Thị Loan và cậu bé Nguyễn Sinh Cung trong vở "Nợ nước non." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có lẽ vì vậy mà tôi dễ dàng đưa lối ăn nói, sinh hoạt, ứng xử, những câu hò vè dân gian, dân ca ví, dặm, những gì thân thuộc của người xứ Nghệ vào tiểu thuyết. Do đó, tôi thấy không không khó để hình dung, hư cấu, sáng tạo thêm bên cạnh những sự kiện lịch sử khi viết về Bác.

Chẳng hạn, tập 1 “Nợ nước non” lấy tứ từ một câu trong lời bà Hoàng Thị Loan ru bé Nguyễn Sinh Cung: “Con ơi, nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền.”

Những yếu tố của lịch sử văn hóa thấm vào trong con người cậu bé một cách tự nhiên như vậy.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa là tôi đang viết tiểu thuyết chứ không phải biên niên sử. Người chép sử ghi lại cuộc đời Bác, vẫn có hành động, suy nghĩ, tư tưởng, phong cách nhưng riêng nội tâm của Người, có lẽ chỉ nhà văn mới có thể hư cấu và diễn tả được.

 Diễn viên Minh Hải thể hiện hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong vở diễn "Nợ nước non." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Diễn viên Minh Hải thể hiện hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong vở diễn "Nợ nước non." (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Được biết, bộ tiểu thuyết này song hành cùng các tác phẩm sân khấu cùng tên. Tập 1 “Nợ nước non” đã được chuyển thể thành một vở kịch hát, gây tiếng vang ở nhiều địa phương. Xin ông cho biết kế hoạch xây dựng các vở diễn tiếp theo?

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Vở diễn “Nợ nước non” do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện với Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên làm đạo diễn. Nhạc sỹ Trọng Đài phụ trách phần âm nhạc đã đưa nhiều loại hình vào tác phẩm như: Ví dặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi, dân ca Nam bộ. Ngoài ra, Nghệ sỹ Nhân dân Doãn Bằng phụ trách thiết kế sân khấu, đậm chất tối giản nhưng có tính biểu tượng rất cao.

Tôi rất muốn tiếp tục đồng hành cùng họ và mong là tương ứng với mỗi tập tiểu thuyết thì có một vở sân khấu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây là kinh phí.

Viết tiểu thuyết thì công sức bỏ ra rất lớn nhưng chi phí không lớn bởi phần in ấn đã có Nhà xuất bản Văn học và Công ty Liên Việt tham gia, còn xây dựng một vở kịch hát thì cần kinh phí khoảng 1.5 tỷ đồng, chưa tính đến việc lưu diễn ở các địa phương.

Trước đây, cương vị, chức vụ của mình khiến tôi giữ “ý tứ” không xin kinh phí Nhà nước. Nhưng tới đây, có lẽ tôi phải xây dựng đề án xin kinh phí sản xuất và lưu diễn các vở sân khấu của “Nước non vạn dặm” bởi thực tế cũng chưa có tác phẩm nghệ thuật biểu diễn nào nói được toàn bộ cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ việc sản xuất các vở diễn là rất cần thiết.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tac-gia-nguyen-the-ky-dung-tren-dia-hat-van-chuong-de-xay-dung-hinh-anh-bac-ho-post952111.vnp