Tác giả tài ba - Chiều kích - Điểm rơi phong độ
Với những tác phẩm đặc sắc: 'Biển', 'Sóng biển rì rào', 'Hợp đồng chiều thứ bảy'…, nhà văn Trương Anh Quốc (sinh năm 1976 tại Quảng Nam) đã đạt nhiều giải thưởng từ cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014; từ Hội Nhà văn TP HCM và báo Sài Gòn Giải phóng năm 2012; Giải Nhì văn học tuổi 20 lần III; Giải Nhất văn học tuổi 20 lần thứ IV…
- Mình vẫn đọc thường xuyên ấy chứ.
Khi đọc một tác phẩm văn học, anh thường mong muốn thu nhận được điều gì?
- Với mình, đọc một tác phẩm văn học, trước hết để giải trí. Nếu cuốn sách hay thì đọc chậm rãi thưởng thức; tùy theo mạch văn có cuốn đọc nhanh hay nhâm nhi từng chữ. Đọc của bạn bè, câu chữ như đang được nghe chính bạn đang trò chuyện vậy. Ngoài ra, đọc còn biết cái người khác viết rồi tránh khỏi bị lặp lại. Có thể khi đọc một tác phẩm, nó kích, thôi thúc mình muốn viết. Nói chung sự đọc luôn có ích hơn là mất. Mất chỉ là tốn thời gian thôi.
Một tác phẩm theo anh như thế nào được gọi là hay? Và cần những điều gì trong quá trình sáng tạo để có tác phẩm hay?
- Theo mình, một cuốn sách hay, đơn giản khi nó…hay. Tính từ chỉ cảm nhận chứ khó giải thích. Một tác phẩm hay sẽ lôi cuốn người đọc, bắt độc giả đọc đến trang sách cuối cùng, và có thể đọc lại nhiều lần, càng đọc càng thích. Một cuốn sách hay chưa chắc được nhiều người tìm mua bởi số đông không phải bao giờ cũng đúng, tâm lý đám đông ấy mà. Một tác phẩm hay khi được nhiều đồng nghiệp công tâm khen ngợi. Văn cũng như võ thôi, không phải múa may quay cuồng là giỏi . Độc giả bây giờ thẩm định giỏi lắm, nhưng kênh và sự đánh giá chính xác nhất vẫn là đồng nghiệp.
Để có được một tác phẩm hay không dễ, nó hội tụ bởi nhiều yếu tố: Tác giả tài ba cùng chiều kích và điểm rơi phong độ… Điều quan trọng nhất quyết định một tác phẩm hay vẫn là tác giả. Tác giả có một phông văn hóa cao, luôn trăn trở với hiện thực xã hội, tác phẩm được thể hiện bởi đôi tay tài năng, cả khối óc cùng sự tâm huyết nhất định tác phẩm sẽ hay.
Trong quá trình sáng tác, anh thường quan tâm đến nhứng yếu tố gì?
- Vẫn chính tắc, vấn đề muôn thuở với một cây bút bất kỳ: Viết cái gì viết cho ai và viết như thế nào. Nói thế chứ khi viết, mình hay bị nhân vật xỏ mũi. Định thế này nhưng cuối cùng lại viết theo thế khác. Viết trước hết là để cho mình rồi mới đến bạn đọc. Điều đầu tiên mình chọn đề tài, cách thể hiện rồi đến văn phong. Chắc hầu hết cây bút đều vậy.
Với anh, việc viết bắt đầu từ cảm xúc, bản năng dẫn dắt hay được định hình cụ thể bằng lý trí theo bố cục kỹ thuật rõ ràng?
- Theo mình, mình vạch ra trước vấn đề cần viết để dễ quản lý nhân vật và sự cân đối của tác phẩm. Mình tung tẩy khi nhân vật dẫn dắt nhưng vẫn trong phạm vi cho phép.
Trên thực tế, trên thị trường sách hiện nay thì ngày càng ít đi những tác phẩm văn chương đáng đọc, vì sao vậy thưa anh?
- Quả thật, vài năm gần đây ít tác phẩm hay. Theo mình, văn chương cũng có mùa vụ và tính chu kỳ. Ví dụ năm 1991 là năm được mùa của văn học ta, có đến 3 tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là “Nỗi buồn chiến tranh”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và “Bến không chồng”. Kỷ lục này trước nay vẫn chưa bị phá.
Văn chương cũng hội đủ thiên thời địa lợi mới có tác phẩm hay. Cách đây ba bốn chục năm, các cụ viết một cuốn sách in mấy chục vạn bản; viết một cuốn sách mua được cả căn nhà. Còn bây giờ như bạn thấy đó, nhuận sách bút èo uột, có khi in sách còn bị thâm vốn. Chẳng nói đâu xa, chục năm trước nhiều báo còn mục Văn hóa - nghệ thuật dễ dàng in truyện thơ, nhuận bút gấp 3, 4 lần bây giờ trong khi vật giá mọi thứ còn rẻ. Được in một truyện ngắn trên báo thì sướng và oách lắm. Nay không còn nhiều báo in truyện ngắn hay thơ, nhuận bút thấp nên không mấy cây bút mặn mà. Người viết văn cũng cần cơm ăn nước uống và sống chớ đâu chỉ thở không khí và uống sương như ve sầu. Bạn trẻ bỏ công sức vài năm, thậm chí cả chục năm viết tác phẩm hay để cuối cùng được gì? Rõ ràng là một sự đánh đổi quá lớn và mạo hiểm, rồi cuối cùng lại thốt lên lời quen thuộc của Viên Mai: “Lập thân tối hạ thị văn chương”.
Viết được văn hay cũng đâu dễ dàng gì. Nếu đi đường dài và sống được bằng nghề càng khó vô cùng. Ở Việt Nam số ấy chỉ đếm ngón trên nửa bàn tay. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần 8 tại Tuyên Quang: Cứ trả nhuận bút một truyện ngắn 10 triệu đồng, sẽ có truyện ngắn hay.
Hiện nay, một số tác giả trẻ vẫn đang nỗ lực trên con đường theo đuổi sáng tác văn chương, theo anh, chúng ta nên làm những gì để nuôi dưỡng những gương mặt văn học trẻ để có sự kế thừa?
- Đành rằng viết văn là công việc tự thân, nhưng người viết văn cần có môi trường tốt để viết. Người ta nói không ai có thể đào tạo nhà văn, có nghĩa là đào tạo cảm xúc, ý tưởng chứ viết văn cũng như bao công việc khác như đan lác, đá bóng, đánh võ. Phải được học cơ bản mới có sức và dễ dàng đi được đường dài. Người không có điều kiện học trường lớp thì tự học chứ chẳng đứa trẻ nào sinh ra đã biết chữ, không một người mù chữ nào có thể trở thành nhà văn (trừ văn học dân gian truyền miệng). Điều đó chứng tỏ rằng để có những cây bút văn chương, trước hết họ được truyền cảm hứng đam mê, họ viết thành nghề thì thành nhà văn.
Trừ Hà Nội, TP HCM là hai trung tâm kinh tế văn hóa lớn nhất nước thì các nơi có phong trào viết mạnh, phải kể đến An Giang và Huế. Trước đó nữa là Quảng Ninh. Nơi đó có người đi trước ươm mầm và chăm sóc. Muốn có quả ngọt phải chọn giống trồng cây chứ. Văn như nhãn, không đùm/ lồng, có trái tự nhiên ngon, hiếm lắm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tac-gia-tai-ba--chieu-kich--diem-roi-phong-do-561431.html