Tác giả 'Tottochan bên cửa sổ': Tuổi 90 sống độc thân, vẫn điệu như thiếu nữ
Nhà văn - MC Kuroyanagi mỗi ngày diện một bộ váy áo khác nhau, luôn trang điểm đậm. Vào cuối năm, bà sẽ đem đấu giá các trang phục để quyên góp tiền cho trại trẻ mồ côi.
Nổi tiếng toàn cầu nhờ cuốn sách bán chạy nhất lịch sử Nhật Bản sau 1 năm phát hành, dịch ra hàng chục thứ tiếng, trong đó có Việt Nam. Được Hiệp hội Phát thanh Nhật Bản tôn vinh là "huyền thoại sống trong ngành giải trí". Gần 50 năm dẫn chương trình truyền hình Tetsuko's Room. Là Đại sứ thiện chí nhiều năm của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), quyên góp được 55 triệu USD và từng đến gần 40 quốc gia để gây quỹ, giúp đỡ cho trẻ em khó khăn.
Tất cả những thành tựu trên thuộc về nhà văn, MC Tetsuko Kuroyanagi - người từng bị coi là một cô bé cá biệt, bị đuổi học khi mới vào lớp Một. Nhưng cuộc đời của Kuroyanagi đã hoàn toàn thay đổi khi chuyển sang trường mới: Tomoe.
Quãng thời gian ở ngôi trường trong mơ được nữ nhà văn kể lại trong tự truyện Totto-chan bên cửa sổ. Vào mùa đông tới, bộ phim hoạt hình anime chuyển thể từ sách sẽ ra mắt.
Ngôi trường thay đổi cuộc đời
Ngay từ nhỏ, Kuroyanagi - nhân vật Totto-chan trong truyện đã luôn hiếu động. Giữa giờ học, cô bé gọi gánh hàng rong vào lớp biểu diễn, đứng ở cửa sổ nói chuyện với mấy chú chim khiến các bạn không học được.
Totto-chan bị giáo viên coi là "đứa trẻ có vấn đề" và đuổi học. Sau đó, cô bé được mẹ đưa tới trường Tomoe với các lớp học sửa từ 6 toa tàu bị bỏ không có khoảng 50 học sinh.
Hiệu trưởng Kobayashi là một người đặc biệt với những sáng kiến thú vị giúp mỗi ngày tới trường của các em nhỏ là một ngày vui như thời khóa biểu tự chọn, bữa trưa với thức ăn từ biển và từ đất.
Người thầy này dành sự khích lệ cho tất cả học trò. Ngay buổi đầu tiên gặp Totto-chan, ông đã lắng nghe cô bé say sưa nói suốt 4 tiếng. “Em thật là một cô bé ngoan” là lời khen của thầy mà Totto-chan không bao giờ quên.
“Nếu không học ở Tomoe, không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác đứa bé hư”, tác giả kể.
Đó cũng là cách giáo dục của thầy hiệu trưởng với những học sinh khác. Các em yêu quý đến nỗi tranh nhau ngồi lên đùi hay trèo lên lưng thầy.
Ngôi trường chỉ tồn tại được 7 năm do bị bom phá hủy vào năm 1944. Nhưng thầy Kobayashi đã để lại ảnh hưởng sâu sắc khiến Totto-chan quyết tâm lớn lên trở thành một người như ông, lan tỏa tình yêu thương cho tất cả trẻ em.
Nhà văn 90 tuổi với búi tóc củ hành, mỗi ngày diện một bộ đồ
Trong cuộc sống, hầu hết người cao tuổi ở nhà an hưởng tuổi thọ nhưng nhà văn, MC Kuroyanagi vẫn dẫn chương trình đều đặn. “Thực ra có 4 cô gái 20 tuổi đang sống trong trái tim tôi”, bà chia sẻ trong một buổi phỏng vấn khi bà 80 tuổi.
Kuroyanagi bắt đầu nổi tiếng trên toàn cầu nhờ cuốn sách về cô bé Totto-chan. Xuất bản vào năm 1981, tới năm 1982, sách đã bán được 5 triệu bản, trở thành tác phẩm bán chạy nhất lịch sử Nhật Bản thời điểm đó. Sách còn được đưa vào giảng dạy, dịch ra hàng chục thứ tiếng trong đó có Việt Nam.
Khi còn trẻ, Kuroyanagi theo học Đại học Âm nhạc Tokyo với mong muốn trở thành ca sĩ opera. Sau đó, bà lại đam mê diễn xuất và trở thành nữ diễn viên đầu tiên ký hợp đồng độc quyền với NHK.
Năm 1975, bà bắt đầu chương trình truyền hình Tetsuko's Room với khách mời là những người nổi tiếng. Tới năm 2023, đã có hơn 11.000 tập được chiếu. Chương trình lập kỷ lục Guinness Thế giới vào năm 2011 vì có số tập phát sóng cao nhất với cùng một người dẫn.
Bà Kuroyanagi hoạt bát, vui vẻ, ngôn ngữ dí dỏm, hài hước luôn khiến khách mời mở lòng và khán giả cười nghiêng ngả. Để tăng phần thú vị, bà còn gài micro vào bên trong búi tóc củ hành của mình. Thậm chí, có lần bà lấy kẹo giấu trong tóc ra khiến các sao nhí bớt căng thẳng khi giao lưu.
Theo thời gian, "đầu củ hành" đã trở thành một trong những đặc điểm mang tính biểu tượng của Kuroyanagi.
Khi dẫn chương trình, bà không bao giờ mặc đồ giống nhau. Vào cuối năm, bà sẽ đem đấu giá các trang phục và quyên góp cho trại trẻ mồ côi.
Dùng toàn bộ tiền bản quyền sách làm từ thiện
Ở tuổi 90, bà Kuroyanagi vẫn sống độc thân, không chia sẻ nhiều thông tin riêng tư. Bà đã dành cả đời giúp đỡ trẻ em nghèo và làm việc chăm chỉ để hoàn thiện tâm nguyện của người thầy. Bà dùng toàn bộ tiền bản quyền cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ cho Quỹ Totto chuyên đào tạo các diễn viên khiếm thính.
Năm 1984, bà được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí của UNICEF và là đại sứ lâu nhất cho Quỹ (từ 1984 đến 1996). Thay mặt cho UNICEF, bà đã đến thăm gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Phi và Trung Đông, những nơi có xung đột, nghèo đói hoặc thiên tai đe dọa sự phát triển và sống còn của trẻ em. Bà quyên góp được khoảng 55,5 triệu USD cho các chương trình của UNICEF.