Tác giả vaccine được xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam

Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên là tác giả của công trình nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản B tại Việt Nam.

Chiều 19/1, ở tuổi 81, Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên đã được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết vaccine viêm não Nhật Bản được đưa vào sử dụng từ năm 1997 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp giảm tỷ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản, số tử vong và di chứng về thần kinh. Vaccine này cũng góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đồng thời, đây là vaccine đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu khoảng 5,4 triệu liều sang Ấn Độ.

 Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên nhận Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới chiều 19/1. Ảnh: BVCC.

Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên nhận Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới chiều 19/1. Ảnh: BVCC.

Theo ông Long, hiện Giáo sư Liên là chuyên gia cao cấp, Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) trực thuộc Bộ Y tế.

Trong các năm 2013-2018, dù đã cao tuổi, bà vẫn chủ trì nghiên cứu sản xuất thế hệ 2 vaccine viêm não Nhật Bản bằng công nghệ mới. Hiện Việt Nam là một trong 4 quốc gia có công nghệ này. Vaccine dự kiến được cấp phép lưu hành vào tháng 6 năm nay.

Trước đó, trong điều kiện chiến tranh, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất 3 loại vaccine tả, thương hàn (TAB) và đậu mùa nhằm phòng chống chiến tranh vi trùng theo sự phân công của Đảng.

Giáo sư Liên đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như Kovalepskaia năm 1999, giải Nhất VIFOTECH về công nghệ sinh học, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều huân huy chương, phần thưởng khác.

Bộ trưởng y tế cũng cho biết VABIOTECH là một trong 4 nhà sản xuất của Việt Nam đang nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19. Dự kiến, vaccine Covid-19 của đơn vị này sẽ thử nghiệm trên người trong quý I.

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tac-gia-vaccine-duoc-xuat-khau-dau-tien-cua-viet-nam-post1175061.html