Tác hại của thuốc lá và hút thuốc thụ động

Thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.

Hút thuốc lá là một thói quen lâu đời của nhiều người, rất khó bỏ được mặc dù ai cũng biết rằng hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe cho chính mình và cho người khác. Cứ hút mỗi điếu thuốc là tự mình làm mất đi 5,5 giây cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm. Hút thuốc ở phụ nữ mang thai gây các ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả bà mẹ cũng như thai nhi. Các căn bệnh chính do thuốc lá gây ra như: ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc, đục nhân mắt.

Khói thuốc lá với hơn 7.000 độc chất hóa học (trong đó có hơn 70 chất gây ra ung thư) không chỉ gây độc cho cơ thể người hút mà còn ảnh hưởng đến người hút thuốc thụ động, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ. Thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Hút thuốc lá thụ động gây nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động có nhiều gấp 3 - 4 lần các chất độc hại. Khói thuốc có thể tồn tại ở tất cả các khu vực công cộng và đặc biệt không có mức an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc. Hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi, làm suy yếu khả năng học hỏi của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Phụ nữ hút thuốc trên 15 điếu thuốc một ngày sẽ tăng thời gian để thụ thai. Nhưng phụ nữ hút thuốc không chỉ gặp khó khăn khi thụ thai mà còn phải chịu một số khó khăn về nuôi dưỡng thai nhi. Phụ nữ hút thuốc nhiều càng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.

Đối với một số phụ nữ hút thuốc, mức hóc môn có thể làm giảm hoạt động của trứng qua vòi trứng. Điều này có thể dẫn tới mang thai dị dạng. Trong một nghiên cứu cho thấy nguy cơ mang thai dị dạng ở người hút thuốc cao hơn 2,2 tới 4 lần người không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ sẩy thai tự phát cao hơn từ 1,5 tới 3,2 lần so với phụ nữ không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có thể bị suy yếu khả năng duy trì thai nhi. Hút thuốc có xu hướng dẫn tới mãn kinh sớm.

Nam giới hút thuốc làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và nguy hiểm hơn là hút thuốc làm giảm nghiêm trọng dòng máu đến dương vật, một số trường hợp gây liệt dương. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất chuyển hóa chính của khói thuốc (là những chất trong khói thuốc được hít vào rồi chuyển hóa trong cơ thể) được tìm thấy trong tinh dịch. Thậm chí một số chất còn tập trung tại đây (cotinine, trans 3 hydroxycotinin). Các thành phần của thuốc lá tìm thấy trong tinh dịch có những chất có thể kìm hãm sự hoạt động của hệ thống enzym choline acetyltransferase, enzym này cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động được. Nam giới hút thuốc so với những người không hút thuốc thì có nồng độ testosterone thấp (hormon này cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng) và làm tăng nồng độ hormon kích thích nang (hormon nữ hóa)...

Những người hút thuốc có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần, do gây xơ vữa động mạch ở dương vật làm giảm tưới máu mà chúng ta gọi là liệt dương do mạch máu. Theo khảo sát, khoảng 82% - 97% nam giới có liệt dương do mạch máu có hút thuốc. Ở những nam giới hút thuốc lâu thì nguy cơ bị liệt dương do mạch máu cao hơn, ở những người nghiện thuốc nặng thì nguy cơ đó còn cao hơn nữa. Ngoài liệt dương do xơ vữa mạch, hút thuốc còn dẫn đến liệt dương do co mạch (làm giảm dòng chảy do động mạch bị co hẹp lại), chỉ cần hút 2 điếu thuốc có thể gây ra co thắt động mạch dương vật cấp. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, sinh dục ở nam giới mà nó còn gây ung thư bàng quang. Người ta không xác định được hút thuốc gây ung thư tiền liệt tuyến nhưng người ta thấy ở người ung thư tiền liệt tuyến mà hút thuốc thì sự xâm nhập và di căn của nó tăng lên.

KIM CÚC (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng)

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202009/du-an-quy-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-tinh-lam-dong-nam-2020-tac-hai-cua-thuoc-la-va-hut-thuoc-thu-dong-3022502/