Tác hại khi vừa ăn vừa xem điện thoại
Vừa ăn vừa nghe điện thoại, lướt facebook,… thường gặp trong các bữa ăn thời công nghệ. Thế nhưng, ít ai biết tác hại tiềm ẩn của việc này.
Theo nghiên cứu của giới chuyên gia, từ bỏ thói quen này sẽ tốt cho sức khỏe của bạn.
Não mất tập trung trong khi ăn
Khi vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, não sẽ bị phân tâm và truyền tín hiệu sai đến cơ thể và không xử lý được mùi vị cũng như sự hài lòng của việc ăn uống.
Thói quen ăn uống không lành mạnh
Điều này dẫn đến hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh, vì bạn không thể chú ý đến việc ăn uống nếu bạn đang tập trung vào điện thoại.
Trao đổi chất thấp hơn
Xem điện thoại trong khi ăn làm giảm tỷ lệ trao đổi chất, dẫn đến thức ăn được tiêu hóa chậm hơn và chất béo bị đốt cháy chậm hơn, theo GoMedii.
Khó tiêu
Vừa ăn vừa xem điện thoại và quá trình tiêu hóa có mối liên quan với nhau vì bạn không thể cảm nhận được mình đã ăn được bao nhiêu và đã ăn những gì. Từ đó, sẽ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa vì cơ thể không thể tiêu hóa đúng số lượng hoặc loại thức ăn đã tiêu thụ.
Bớt gắn kết gia đình
Các nhà nghiên cứu từ Đại học British Columbia ở Canada đã phát hiện việc sử dụng điện thoại trong bữa ăn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự hứng thú của chính bạn.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Xã hội Thực nghiệm, giải thích cụ thể: “Sử dụng điện thoại trong lúc ăn làm bạn bị phân tâm, lâu dần sẽ không còn nhu cầu tham gia vào các hoạt động xã hội”.
Elizabeth Dunn, Giáo sư tâm lý học được tạp chí Time phỏng vấn cho rằng: “Điện thoại tạo ra sự khác biệt. Nhưng đó là một sự khác biệt quá nhỏ nên bạn có thể dễ dàng bỏ qua và thậm chí nhận ra nó đang thay đổi trải nghiệm của mình theo những cách tinh tế như thế nào đối với các tương tác xã hội”.
Nghiên cứu có sự tham gia của 300 người, họ được yêu cầu ăn tối với bạn bè hoặc gia đình. Một nửa nhóm được yêu cầu để điện thoại trên bàn vì họ sẽ nhận được câu hỏi liên quan đến nghiên cứu qua tin nhắn trong bữa ăn, trong khi nửa còn lại được yêu cầu cất điện thoại ở chỗ khác vì họ sẽ nhận được câu hỏi trên giấy.
Mặc dù bữa ăn nhằm mục đích quan sát tác động của việc sử dụng điện thoại đối với trải nghiệm ăn uống, nhưng các nhà nghiên cứu đã không cho những người tham gia biết mục đích thực sự của nghiên cứu.
Sau bữa ăn, tất cả những người tham gia được khảo sát về mức độ thích thú, việc sử dụng điện thoại và trải nghiệm ăn uống tổng thể của họ.
Thí nghiệm cho thấy rằng ngay cả khi người dùng điện thoại đang tham gia vào các tương tác trực tiếp, họ vẫn cảm thấy mất tập trung hơn và ít hứng thú hơn.
Theo nghiên cứu, sự mất tập trung ở những người sử dụng điện thoại cũng có nghĩa là mức độ buồn chán cao hơn và tâm trạng tổng thể tồi tệ hơn.
Trong một thí nghiệm thứ hai với hơn 100 người tham gia, các nhà nghiên cứu đã nhắn tin các câu hỏi khảo sát cho họ 5 lần một ngày trong một tuần. Những người tham gia được hỏi về trạng thái cảm xúc của họ và những gì họ đã làm trong 15 phút vừa qua.
Các nhà nghiên cứu phát hiện: Nếu những người tham gia sử dụng điện thoại trong khi tương tác trực tiếp, thì họ ít thích thú với sự tương tác hơn những người không sử dụng điện thoại.
Thí nghiệm cũng bác bỏ quan điểm cho rằng những người trẻ tuổi có thể có nhiều kỹ năng hơn và miễn nhiễm với những tác động tiêu cực của việc sử dụng điện thoại đối với các tương tác xã hội.
Gây mất tập trung
Theo giới chuyên gia, ngay cả mức độ sử dụng điện thoại vừa phải... cũng đủ để tạo ra cảm giác mất tập trung làm suy yếu cảm xúc tích cực mà tương tác xã hội mang lại.
Tiến sĩ Dunn nói với tạp chí Time rằng, thói quen sử dụng điện thoại của bạn có thể lây nhiễm sang những người xung quanh, vì thế mọi người nên cố gắng hạn chế sử dụng điện thoại trong các môi trường xã hội.
“Mọi người có nhiều khả năng sử dụng điện thoại của mình hơn khi những người xung quanh cũng đang làm điều tương tự. Điều đó cho thấy thói quen này gây ra hiệu ứng domino. Thay vào đó, chỉ cần cất điện thoại của mình đi, bạn có thể đang tạo ra hiệu ứng domino tích cực”, Tiến sĩ Dunn nói.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sử dụng điện thoại quá nhiều trong khi ăn còn có hại cho sức khỏe thể chất, đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen ăn uống lành mạnh. Chẳng hạn bạn không cảm nhận được thức ăn có ngon miệng hay không.
Ngừng sử dụng điện thoại trong lúc ăn có thể giúp bạn và gia đình bạn ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe có hại khác nhau.
Theo Straitstimes
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tac-hai-khi-vua-an-vua-xem-dien-thoai-post631833.html