Tác hại liên quan đến thuốc trừ sâu sau trận dịch châu chấu ở Kenya 3 năm trước
Khi nạn dịch châu chấu hoành hành ở châu Phi 3 năm về trước, nhiều nông dân ở Kenya đã được hỗ trợ thuốc trừ sâu để dập dịch, nhưng họ đã không được thông báo về loại hóa chất đang sử dụng cũng như không được cung cấp bất kỳ thiết bị bảo hộ nào.
Ngộ độc dai dẳng vì thuốc trừ sâu
Vào tháng 1-2020, một trong những trận dịch châu chấu lớn nhất trong 70 năm tại vùng Sừng châu Phi đã đổ bộ vào Garissa, một thị trấn hẻo lánh ở phía đông bắc Kenya, gần biên giới với Somalia. Khu vực này chủ yếu là các mảnh ruộng quy mô nhỏ trồng ngô, cà chua, dưa hấu, chuối, chanh. Khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hợp tác với Ngân hàng Thế giới và Chương trình Lương thực Thế giới mở chiến dịch “Châu chấu sa mạc” với ngân sách hơn 230 triệu USD. Họ đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp Kenya phun hỗn hợp thuốc trừ sâu trên diện tích 100.000ha, nơi sinh sống của 26.650 hộ gia đình.
Ông Mohammed Adan và những người nông dân khác cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận được sự hỗ trợ như vậy. Sau khi được hướng dẫn trộn thuốc trừ sâu với nước để phun diệt châu chấu, họ bắt đầu nhặt nhạnh những gì còn sót lại trên cây trồng bị châu chấu tàn phá. Do bất cẩn, ông Adan bị đổ một ít hỗn hợp thuốc lên người. Vài giờ sau, ông tắm rửa sạch và nhiều tuần sau, bắt đầu khó chịu vì đau bụng, buồn nôn và không thể đi tiểu, rồi một hành trình dài khám - chữa bệnh vì ngộ độc thuốc trừ sâu. Đến giờ, 3 năm sau, ông đang phải đối mặt với khả năng phải phẫu thuật lần thứ sáu.
Vào tháng 3-2023, Ủy ban Kiểm soát Châu chấu Sa mạc (DLCC) đã tổ chức một cuộc họp ở Nairobi để tổng kết thành công trong việc cứu vãn an ninh lương thực ở miền bắc Kenya. Theo ông Christian Pantenius, một cựu nhân viên FAO tham dự cuộc họp, cuộc họp đã không giải quyết được lỗi nội bộ mà FAO thừa nhận trong chiến dịch phun thuốc năm 2020 ở Kenya và Ethiopia. Trong số 193.600 lít thuốc trừ sâu mà FAO mua cho Chính phủ Kenya, 155.600 lít là các loại phốt phát hữu cơ như fenitrothion và
chlorpyrifos. Những hóa chất này đã bị cấm sử dụng trên cây lương thực hoặc thức ăn chăn nuôi ở hầu hết các nước phương Tây vì độc tính thần kinh đã được chứng minh đối với con người và sự tàn phá hệ sinh thái.
Tại Hạt Samburu phía bắc Kenya, fenitrothion - bị cấm ở New Zealand vào năm 2016, đã được những “nhân viên không được đào tạo” cầm máy phun có động cơ và bình xịt sử dụng. Tỷ lệ sử dụng cũng cao đến mức nguy hiểm: 34 lít/ha, cao hơn nhiều so với tỷ lệ khuyến nghị là 1 lít/ha. Việc phun thuốc cũng được thực hiện vào ngày mưa, làm tăng nguy cơ rò rỉ hóa chất.
Nâng cao ý thức trong vấn đề môi trường
Tuy nhiên, Ban kiểm soát thuốc trừ sâu của Kenya, văn phòng Đông Phi của FAO đã bác bỏ những lo ngại về tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của con người, đồng thời khẳng định tất cả thuốc trừ sâu đều được mua thông qua các kênh chính thức và hợp pháp về mặt kỹ thuật.
Các chuyên gia cho biết, tất cả điều này đã xảy ra bất chấp sự sẵn có của một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn là Metarhizium acridum, còn được gọi là Novacrid. Các thử nghiệm Novacrid đã được thực hiện ở các tỉnh Turkana và Marsabit phía bắc Kenya vào năm 2020 và đạt được thành công lớn: Ước tính khoảng 90% số châu chấu đã bị diệt trừ. Nhóm Trọng tài Thuốc trừ sâu châu chấu (LPRG), cơ quan cố vấn độc lập của FAO mô tả loại thuốc trừ sâu sinh học này là “lựa chọn kiểm soát thích hợp nhất… mặc dù chi phí cao hơn”. Tuy nhiên, do hầu như chỉ có tác dụng với loài châu chấu nên khó có khả năng Novacrid được sử dụng trên quy mô lớn. “Thuốc trừ sâu sinh học trong kiểm soát châu chấu không phục vụ lợi ích kinh tế. Đó là lý do tại sao người ta không có sự quan tâm nghiêm túc đến việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để kiểm soát sâu bệnh”, cựu nhân viên của FAO Christian Pantenius giải thích.
Ông Paul Gacheru, người quản lý chương trình tại Nature Kenya - hiệp hội lịch sử tự nhiên lâu đời nhất ở Đông Phi - đồng cảm với sự đánh đổi phức tạp mà các chính phủ cũng như các tổ chức phải đối mặt, đặc biệt là trong thời điểm khẩn cấp. Tuy nhiên, ông tin rằng cần phải có ý thức mạnh mẽ hơn về tính toàn vẹn môi trường - đặc biệt là từ các tổ chức toàn cầu như FAO. Ông Gacheru giải thích: “Có một lỗ hổng trong luật pháp. Một quốc gia châu Âu có thể có một loại thuốc diệt côn trùng mà họ đã sản xuất nhưng hiện bị cấm và trở nên lỗi thời ở chính quốc gia đó, nhưng cần phải bán nó đi”.
Nhưng người nông dân như ông Mohammed Adan chỉ đơn giản muốn trở lại cuộc sống bình thường. Ông thậm chí không nhất thiết phải yêu cầu chính phủ bồi thường cho những ảnh hưởng về sức khỏe. “Sẽ thật tuyệt nếu được trang trải chi phí khám chữa bệnh”, ông bày tỏ mong muốn.
Theo Al Jazeera