Tác nghiệp 'nhanh như chớp' từ World Cup đến SEA Games
LTS: Nhà báo TRUNG NGHĨA, cộng tác viên của Đồng Nai cuối tuần, chia sẻ những đặc thù công việc của một nhà báo tác nghiệp các sự kiện thể thao và cách anh cùng đồng nghiệp thích nghi đáp ứng sự thay đổi tiếp cận thông tin “nhanh như điện xẹt” của người hâm mộ ngày nay.
* Từ 24 tiếng đến từng giây
Tại giải đấu quốc tế đầu tiên mà tôi đi tác nghiệp - giải EURO 2000 ở hai quốc gia Hà Lan/Bỉ đồng tổ chức, khoảng cách sự kiện mà tôi viết bài tường thuật từ các sân cỏ châu Âu cho đến khi đăng tải trên mặt nhật báo lẫn trang Tin nhanh EURO 2000 đôi khi là 24 tiếng. Chiếc máy ảnh kỹ thuật số “quý giá” mang theo tác nghiệp khi ấy còn chụp bằng đĩa mềm dung lượng 2MB, chụp khoảng 8-10 ảnh là đã đầy phải thay đĩa mới.
Giờ đây, mọi sản phẩm tin bài, ảnh, clip có thể đăng tải trên báo điện tử theo từng phút, không hề chờ đợi trận đấu, sự kiện kết thúc. Đồng thời phóng viên tại chỗ có thể phát hình trực tiếp (live streaming) trên YouTube.
Nhà báo Đinh Nam Trung, phóng viên Truyền hình Pháp Luật và phụ trách kênh Sao Thể Thao cho biết: “Kể từ kỳ tác nghiệp SEA Games ở Philippines năm 2019, tôi đã định hướng đẩy mạnh phần sản xuất video cho tin tức thể thao. Đến SEA Games 2023, chúng tôi lên kế hoạch sản xuất video phản ánh trực tiếp hoạt động của đoàn thể thao Việt Nam với gần 10 thành viên: 7 người sẽ lần lượt sang Campuchia tác nghiệp với cách quay, dựng phim đặc thù của lĩnh vực thể thao, 2 người phụ trách các đầu việc: tổng hợp tin bài, thiết kế ảnh đại diện, soạn đề dẫn cho clip…”.
Yêu cầu đặc ra trong nhóm tác nghiệp video là “phải tìm những đề tài mà góc máy truyền hình không thể hướng tới, các nhân vật xuất hiện trong video phải có dấu ấn riêng, sản phẩm clip phải được xuất bản ngay khi sự kiện kết thúc từ 15-30 phút để khán giả không phải chờ đợi lâu” - nhà báo Nam Trung nói và anh khẳng định: “Chỉ làm cách đó mới có thể kéo khán giả xem các sản phẩm của kênh được. Thành quả là sau 22 ngày tác nghiệp SEA Games 2023, Sao Thể Thao có 30 triệu lượt xem cùng 23 ngàn người đăng ký mới”.
* Vượt qua áp lực
“Rất áp lực, rất mệt, thiếu ngủ triền miên. Nhưng rất mê, rất phê và rất sung sướng” - tay máy Ngô Trần Hải An cho biết cảm giác khi lần đầu tác nghiệp tại FIFA World Cup 2022 ở Qatar.
“Sự phát triển của loại hình báo điện tử, truyền thông đa phương tiện và các nền tảng mạng xã hội dẫn đến sự thay đổi sâu sắc của người hâm mộ trong cách tiếp cận thông tin, đặc biệt là trực tiếp mọi lúc mọi nơi qua điện thoại di động. Điều này đòi hỏi các phóng viên tác nghiệp những sự kiện thể thao nóng bỏng trong và ngoài nước ngày càng đa năng, truyền tin nhanh nhạy hơn bao giờ hết. Và giờ đây “thông tin” đồng nghĩa với nhiều sản phẩm báo chí từ bài viết cho báo in, cập nhật trực tiếp (live) cho báo điện tử và sản xuất các video clip, podcast đăng tải trên hệ sinh thái đa nền tảng mạng xã hội” - nhà báo TRUNG NGHĨA (tác nghiệp 6 kỳ FIFA World Cup từ 2002-2022) cho biết.
“Để có được một vị trí tác nghiệp tại một buổi họp báo có 300 chỗ ngồi hay một trận đấu chỉ có 220 vị trí chụp ảnh trên sân là “ngàn trùng gian nan và khốc liệt” vô cùng. Ngày làm việc của tôi thưởng bắt đầu từ 7 giờ sáng, về nhà lúc hơn 1 giờ sáng và làm hình gửi về tòa soạn có khi đến 3-4 giờ sáng hôm sau mới xong. Dẫu sao tôi rất tự hào khi được tác nghiệp tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Đây là một cơ hội to lớn để học hỏi trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp bậc nhất” - Hải An chia sẻ.
Nhà báo/bình luận viên thể thao kỳ cựu của TTXVN Trương Anh Ngọc thì cho biết tác nghiệp tại một sự kiện thể thao lớn như World Cup hay EURO Cup vốn kéo dài hơn cả tháng “là một cuộc đua marathon” thật sự vất vả. Anh nói: “Đó là một cuộc chạy đua với thời gian để có sản phẩm báo chí, và chúng tôi làm việc từ 12-16 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả di chuyển, cả thời gian ăn uống nghỉ ngơi rất ít ỏi trong ngày”.
Trương Anh Ngọc tiết lộ các nhà báo tường thuật thể thao ngày nay đối diện trước nhiều thử thách nghề nghiệp: “Về tinh thần: rất mệt mỏi và stress trước khối lượng công việc lớn. Về thể lực: bắt buộc có sức khỏe bởi thường xuyên thức khuya, ăn ngủ bất thường, chênh lệch múi giờ. Về hành trình: gần như bạn phải liên tục di chuyển, có ngày tôi cuốc bộ 30km. Về chi phí: rất tốn kém. Về công việc: rất nhiều, bề bộn, cả giải đấu có khi tôi phải viết cỡ 150 ngàn chữ. Đó là còn chưa kể việc lên hình, quay phóng sự video cho các kênh truyền hình...”.
* Khỏe và yêu nghề
Cuộc chơi thông tin thể thao đã rất khác, thói quen bạn đọc thay đổi khiến các nhà báo phải tác nghiệp rất khác, cũng như tòa soạn tổ chức xuất bản cũng rất khác. Báo điện tử nhờ tính đa phương tiện vượt trội và không giới hạn giúp phục vụ công chúng một cách nhanh hơn, hấp dẫn hơn, phong phú hơn trong các sự kiện nói chung và lĩnh vực đặc thù thể thao nói riêng.
Các nhà báo đi tác nghiệp những kỳ World Cup, SEA Games và sự kiện thể thao giờ đây phải “vượt lên chính mình”, hoạt động với cường độ cao nhất có thể. Nhà báo Nam Trung cho biết các phóng viên thể thao ngày nay “cần có tinh thần làm việc theo nhóm, chịu được những khó khăn vất vả hậu trường, nắm những kỹ năng cần thiết của việc sản xuất video, khao khát cống hiến trong môi trường đầy vinh dự nhưng cũng nhiều tính ganh đua của nghề báo”.
Nhà báo Trương Anh Ngọc thì tâm sự: “Dù đi tác nghiệp vất vả và áp lực triền miên nhưng giải đấu nào tôi cũng đi và khát khao đi với tư cách của một nhà báo đa ngành. Các đồng nghiệp và tôi nhờ lòng yêu nghề (cũng như phải khỏe) mà tất cả cùng vượt qua để “chiến đấu”, được làm công việc mình muốn làm. Chúng tôi thật hạnh phúc khi làm nghề này, thật hạnh phúc khi được đi đó đi đây khắp thế giới, thật hạnh phúc khi được chứng kiến các sự kiện lịch sử”.