Tác nghiệp với những mùa nắng gió Tây Nguyên

Tây Nguyên trong tôi không chỉ là đất đỏ bazan với những mùa cà phê chín đỏ rực sườn đồi, không chỉ có tiếng cồng chiêng ngân vang giữa đại ngàn… Nơi ấy còn ghi dấu những năm tháng lặng lẽ, bền bỉ đồng hành cùng những con người thầm lặng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nơi ấy, sự thay đổi không chỉ đo bằng con số, mà bằng cả nụ cười của người nông dân khi mùa màng thuận lợi, bằng bước chân trẻ thơ không còn lấm lem đói nghèo.

Những chuyến đi công tác xuyên rừng già Kon Tum đến những vườn sầu riêng trĩu quả ở Đắk Mil, những rẫy cà phê, hồ tiêu, ruộng mía bạt ngàn trải dài ở Đắk Lắk - Gia Lai… đều như thước phim quay chậm. Mỗi khuôn hình là một bài viết, mỗi nhân vật là một mảnh ghép quý giá trong ký ức nghề báo...

Tôi còn nhớ lần đầu gặp ông Hoàng Minh Tân, nguyên Giám đốc NHNN Kon Tum, nay là Phó giám đốc NHNN khu vực 11 tại Kon Tum. Ông trầm tĩnh, đôi mắt sâu như chất chứa cả những mùa mưa nắng trên vùng đất này. Trong những câu chuyện, ông Tân cứ trăn trở mãi về việc làm sao để truyền thông trong lĩnh vực ngân hàng gần gũi hơn, dễ hiểu hơn với người dân miền núi, để chính sách chạm đến từng mái nhà sàn, từng rẫy bắp heo hút trên triền núi…

Ở Gia Lai, tác giả có rất nhiều dịp gặp gỡ ông Điền Hoàng, nguyên Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh - một người đàn ông cương trực, vững vàng như những cây cổ thụ giữa đại ngàn. Ông từng nói với tôi: “Muốn nắm bắt được hiệu quả của tín dụng nông nghiệp, nông thôn, hãy len lỏi qua những xã vùng sâu của Mang Yang, K’bang, Chư Sê, Đức Cơ, Phú Thiện... nơi tín dụng nông nghiệp là ngọn gió lành giúp người dân hồi sinh sau những mùa vụ thất bát…”.

Tác giả tác nghiệp tại xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum

Tác giả tác nghiệp tại xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum

Còn ở Đắk Lắk, mỗi lần nhắc đến chính sách tín dụng xã hội, tôi lại nhớ về ông Nguyễn Tử Ân, nguyên Giám đốc NHCSXH xã hội tỉnh. Trong câu chuyện, ông Ân thường kể những câu chuyện đời thường: một gia đình thoát nghèo nhờ chăn nuôi giỏi với nguồn vốn từ ngân hàng, một đứa trẻ được đến trường, một vườn cà phê gượng dậy sau hạn hán... Có lần ông Ân bảo: “Tiền vay như giọt nước, tưới đúng lúc, mầm sống vươn lên; nếu lỡ dở thì cả mùa khô cạn”.

Cũng ở Đắk Lắk, tôi có nhiều dịp đồng hành cùng ông Vương Hồng Lĩnh, nay là Phó tổng giám đốc Agribank, một thời từng là Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Cư M’gar rồi đến Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh. Ông Lĩnh nhiều lần đưa tôi băng qua những con đường mù bụi đỏ để đến các vùng trồng cà phê tại Cư M’gar, K’rông Pắc hay Ea Kar - nơi những vườn cà phê già cỗi đang được tái canh. Ông nói chuyện với ánh mắt ngập tràn hy vọng, như hình dung về một giấc mơ xanh đang thành hình. Đó không là sự sống, sự kỳ vọng cho một Tây Nguyên phát triển, đưa ngành cà phê trở thành ngành xuất khẩu chủ lực. Từng nông trường cà phê, từng hộ nông dân, nhờ nguồn vốn tín dụng tái canh cây cà phê mà đã mạnh dạn thay đổi giống, cải tạo vườn - một hành trình hiện thực hóa khát vọng nâng cao năng suất và chất lượng cho cả ngành hàng chủ lực của vùng Tây Nguyên.

Bao năm tôi đã gắn bó với Tây Nguyên, số bài báo về ngân hàng, tín dụng nông nghiệp, tín dụng chính sách xã hội khó mà đếm được... Đằng sau mỗi con chữ là những chuyến xe dằn xóc qua những con đường sình lầy, những buổi chiều ngồi bên đồi cà phê nghe nông dân kể chuyện vụ mùa, là buổi tối trong căn phòng nhỏ, gõ vội bản thảo giữa tiếng mưa rừng rả rích xen lẫn tiếng côn trùng kêu da diết...

Tây Nguyên là thế, khắc nghiệt như đất đỏ bazan nứt nẻ vào mùa khô hạn, nhưng cũng hào sảng như cơn mưa đầu mùa tưới mát cả nương đồi. Cũng như nghề làm báo - có khi là người lữ hành cô độc, nhưng luôn mang theo ngọn lửa đam mê soi rọi những điều tốt đẹp…

Công Thái

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tac-nghiep-voi-nhung-mua-nang-gio-tay-nguyen-166072.html