Tác nhân chính gây cá nuôi lồng chết trên sông Chu không còn hiện hữu
Theo kết quả kiểm tra, xét nghiệm của Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, các mẫu cá chết, mẫu môi trường nước tại thời điểm lấy mẫu (lúc 12 giờ ngày 16-3-2020) cho thấy hàm lượng N-NO3 trong nước cao hơn tiêu chuẩn; mẫu cá có nhiễm vi khuẩn Pseudomonas sp đây là loại vi khuẩn gây chết trên cá.
Nuôi cá lồng trên sông Chu đoạn qua xã Xuân Thiên (Thọ Xuân).
Tuy nhiên, đối với 2 tác nhân này chỉ gây hiện tượng cá chết với tỷ lệ thấp và chậm; còn đối với hiện tượng cá chết nhanh, tỷ lệ cao tại thời điểm lấy mẫu có thể tác nhân chính không còn hiện hữu. Các chỉ tiêu PH, DO, TDS, BOD5, N-NH4+, COD, P-PO43-, H2S, sắt tổng, N-NO2, TSS, p tổng, N tổng đều nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT, QCVN 02-22:2015/BNNPTNT và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I. Hàm lượng N-NƠ3’ của 3 mẫu đều cao hơn so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT hàm lượng giao động từ 2,38 đến 5,16mg/l làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
Trước đó, từ ngày 16-3 đến 19-3-2020 tại các khu vực nuôi cá lồng trên sông Chu đoạn qua địa bàn các xã Xuân Bái, Xuân Thiên, Thọ Lâm, Phú Xuân, Thọ Hải, Thuận Minh, Xuân Hòa và Xuân Tín xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng trên sông Chu chết hàng loạt (chủ yếu là cá trắm cỏ), tổng số hộ bị thiệt hại là 62 hộ với số cá bị chết là 11,119,5 tấn. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xuống thực địa kiểm tra, chẩn đoán và tiến hành thu mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân.