Tác nhân gây chia rẽ chính trị giữa cử tri nam và nữ trẻ tuổi trên toàn cầu
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua là minh chứng cho tình trạng phân cực chính trị ngày càng lớn giữa cử tri nam và nữ trẻ tuổi trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đảng Dân chủ đang cố gắng chữa lành vết thương sau thất bại và chuẩn bị cho việc Tổng thống đắc cử Trump quay trở lại Nhà Trắng, nhiều nhà bình luận đã nhấn mạnh về thay đổi lịch sử trong xu hướng bỏ phiếu của cuộc bầu cử ngày 5/11. Theo đó, nhiều cử tri Latinh, tầng lớp lao động và da màu đã chuyển sang bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, nhóm cử tri đáng báo động nhất cho tương lai đảng Dân chủ là nam thanh niên. Trong cuộc bầu cử năm 2024 này, nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 29 đã trở thành một “thế lực” giúp sức cho chiến thắng của ông Trump. Điều này đảo ngược xu hướng trong nhiều thập niên là cử tri nam giới trẻ tuổi thường ưu ái các ứng viên thiên về cánh tả.
Chiến thắng của ông Trump với hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhóm cử tri nam giới trẻ tuổi chỉ là một phần trong hiện tượng chưa từng có tiền lệ trên toàn thế giới. Theo đó, quan điểm chính trị của thế hệ cử tri trẻ chia rẽ sâu sắc ở hai giới.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 tại Hàn Quốc, chênh lệch giữa cử tri nam và nữ ở mọi lứa tuổi chỉ là vài điểm phần trăm, trừ nhóm từ 18-29 tuổi. Có chênh lệch lên tới gần 25 điểm phần trăm giữa nam và nữ trong nhóm tuổi này khi bỏ phiếu cho đảng Quyền lực của nhân dân thiên về bảo thủ.
Hai năm sau, tại cuộc tổng tuyển cử của Anh, có đến 23% cử tri nữ trẻ tuổi bỏ phiếu cho đảng Xanh, trong khi cử tri nam trẻ tuổi chỉ là 12%. Cử tri nam trẻ tuổi ưu ái bỏ phiếu cho đảng Cải cách Anh.
Tại một quốc gia châu Âu khác là Đức, những khảo sát gần đây cho kết quả nam giới từ 18-19 tuổi được hỏi có khả năng bỏ phiếu cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cao gấp đôi nữ giới trong cùng độ tuổi.
Giảng viên Alice Evans tại Đại học King’s College London (Anh) nhận định rằng quan điểm về bình đẳng giới là một trong những động lực dẫn đến phân cực chính trị giữa cử tri nam và nữ trẻ tuổi trên thế giới. Bà phân tích cụ thể: “Nam giới trẻ tuổi ngày càng lo lắng rằng đa dạng, công bằng và hòa nhập đang đi quá xa và một số thậm chí lo ngại sự tiến bộ của phụ nữ đang lấy đi cơ hội của họ”.
Nghiên cứu năm 2024 của Ipsos đã thể hiện rõ điều này. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, từ Australia, Brazil, Pháp, Đức đến Nhật Bản, Hàn Quốc…, những người trong nhóm 18-29 tuổi bộc lộ quan điểm khác biệt nhất về bình đẳng giới.
Đối với câu “nam giới ở nhà để trông con là không ra dáng đàn ông”, có 10% nữ giới và 11% nam giới thuộc thế hệ bùng nổ dân số sinh từ năm 1946 đến 1964 đồng tình. Trong khi đó, ở nhóm Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012), có 31% nam giới và 20% nữ giới đồng tình.
Vào tháng 9 vừa qua, cuộc khảo sát của Gallup với người trưởng thành dưới 30 tuổi tại Mỹ cho thấy nữ giới trong nhóm này đang dịch chuyển về phe cánh tả trong một số vấn đề như môi trường, kiểm soát súng đạn, phá thai.
Bà Alice Evans cho biết một nguyên nhân khác về quan điểm khác biệt trong Gen Z là thế hệ này lớn lên trong môi trường truyền thông chia rẽ và suy giảm trải nghiệm chia sẻ văn hóa. Evans lấy ví dụ khi bà còn nhỏ chỉ có 4 kênh truyền hình, và bạn bè của bà sẽ cùng xem những chương trình giống nhau bởi không có nhiều lựa chọn. Nhưng ngày nay, giới trẻ có vô vàn kênh để giải trí, từ điện thoại di động, Netflix, YouTube và TikTok…