Tác phẩm 'đánh cá cơm' của Việt Nam giành giải nhất cuộc thi quốc tế
Mới đây, tổ chức Save Our Seas đã vinh danh nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện là 'Nhiếp ảnh gia Bảo tồn biển' năm 2022 với tác phẩm đánh bắt cá cơm ở Phú Yên.
Theo đó, bức ảnh chụp từ trên cao ghi lại toàn cảnh 'hoạt động bắt cá cơm nhộn nhịp' ở ngoài khơi biển Phú Yên của Việt Nam của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo. Tác phẩm này cũng giành vị trí cao nhất trong hạng mục 'Bảo tồn Biển' của năm nay.
Chia sẻ về bức ảnh đoạt giải, anh Thiện cho biết, nhiều gia đình ngư dân địa phương vẫn thường chạy thuyền dọc bờ biển Phú Yên, theo dòng chảy gần bờ để đánh bắt cá cơm vào những mùa cao điểm.
"Cá cơm muối là nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên nước mắm chấm truyền thống của Việt Nam. Nhưng đây là loại cá nhỏ, số lượng ít lại chịu ảnh hưởng từ nhiều phía như nạn khai thác, đánh bắt quá mức hay trở thành thức ăn cho những loại cá lớn hơn như cá voi, cá ngừ, chim biển...", nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng và sản lượng khai thác cá cơm ở các vùng biển Việt Nam đã giảm từ 20 đến 30% trong 10 năm qua.
Cuộc thi Nhiếp ảnh dưới nước 2022 (Underwater Photographer of the Year) đã nhận được hơn 4.200 tác phẩm dự thi từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, người chiến thắng chung cuộc là nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Rafael Fernandez Caballero với bức ảnh chụp 5 con cá mập voi cùng nhau kiếm ăn vào ban đêm ở vùng biển Ari Atoll, Maldives.
Chia sẻ về tác phẩm, Caballero nói: "Phép thuật xảy ra trong đại dương hàng ngày, nhưng nếu chúng ta không bảo vệ môi trường nước và cá mập, những khoảnh khắc này sẽ sớm trở thành dĩ vãng".
Ngoài ra, nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha còn là tác giả của một bức ảnh ấn tượng khác, nổi bật trong hạng mục "Bảo tồn Biển", ghi lại cảnh một con rùa bị vướng vào lưới ở khu lặn biển La Reina, La Paz, Mexico. Theo Caballero, ước tính rằng có khoảng 91% những con rùa bị vướng vào ngư cụ sẽ chết sau đó. Nhưng may mắn rằng, con rùa trong bức ảnh nằm trong số 9% còn lại và có thể sống sót. Số lượng rùa biển đã giảm mạnh trong suốt nhiều thập kỷ qua. Người ta ước tính rằng khoảng 52% số rùa trên đã ăn phải nhựa.
Khoảnh khắc "cá lớn nuốt cá bé" này được ghi lại ở ngoài khơi làng chài La Azohia của Tây Ban Nha. Bức ảnh đoạt giải á quân trong hạng mục "Hành vi" của tác giả Javier Murcia. Nhiếp ảnh gia cho biết tác phẩm chụp "một con cá săn mồi Địa Trung Hải nuốt con cá la hán xanh bơi chậm chạp" này là kết quả sau nhiều năm ông nghiên cứu về hành vi của động vật.
Được chụp tại trại đánh cá cá mập trên đảo Magdalena ở Baja California Sur, Mexico, bởi nhiếp ảnh gia người Pháp Fabrice Dudenhofer, tác phẩm này đã xuất sắc giành vị trí thứ hai trong hạng mục "Bảo tồn Biển". Dù ở Mexico đánh bắt cá mập là hợp pháp nhưng theo ban tổ chức: "bức ảnh này thực sự đã phản ánh đúng tinh thần của chủ đề bảo tồn và thể hiện sự tàn ác của con người".
Trung tâm bảo tồn và nghỉ dưỡng lặn biển Misool của Indonesia là nơi thực hiện bức ảnh đầy màu sắc này. Tác phẩm về nhì trong hạng mục "Cận cảnh", bắt được khoảnh khắc phôi cá hề trước khi nở chỉ vài giờ. Nhiếp ảnh gia người Anh David Alpert là người đứng sau ống kính.
Tác phẩm giành huy chương đồng ở hạng mục "Xác tàu" chụp cảnh một người bơi tự do đang tiếp cận xác tàu USS Kittiwake, một tàu cứu hộ tàu ngầm của Hải quân Mỹ nằm ngoài khơi quần đảo Cayman. Bức ảnh được chụp bởi Karlo Macas, người Croatia.
Nhiếp ảnh gia người Italy Daniele Comin đã chụp bức ảnh một con rùa biển xanh trông như đang khoe cơ bắp theo phong cách vận động viên thể hình. Tác phẩm đứng thứ ba trong danh mục "Chân dung", được chụp trong một chuyến đi đến San Cristobal, Galapagos.
Đỗ An (Theo Daily Mail)