Tác phẩm tham dự Giải Diên hồng lần thứ III - năm 2025: Những quyết sách đột phá để Nam Định phát triển kinh tế - xã hội (Kỳ II)
Kỳ I- Khi các nghị quyết HĐND tỉnh trở thành những quyết sách đột phá
(tiếp theo và hết)
Kỳ II- Các giải pháp
nâng cao chức năng quyết định
Điểm mới trong việc ban hành các nghị quyết HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay là với những dự thảo nghị quyết cần thiết phải ban hành đáp ứng yêu cầu thực tế của tỉnh, nhưng còn nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thường trực HĐND tỉnh xem xét thận trọng, khách quan, từ đó tham mưu cho Đảng đoàn HĐND tỉnh có văn bản báo cáo, đề xuất phương án xử lý, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và xin ý kiến của Trung ương trước khi quyết định. Đến nay một số nội dung vướng mắc đã được Trung ương tháo gỡ bằng những quyết sách cụ thể, và những nghị quyết HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành đều phù hợp với quy định của Trung ương như: Việc điều chỉnh bảng giá đất; việc quy định giá dịch vụ công ích thủy lợi, việc tạm giao biên chế công chức, viên chức năm 2023...
Để việc ban hành nghị quyết đúng, trúng, sát thực tiễn, phát huy hiệu quả trong cuộc sống, HĐND tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, chọn đúng nội dung để quyết định; đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh trong việc xây dựng nghị quyết. Chẳng hạn, khi UBND tỉnh đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh xây dựng các nghị quyết về cơ chế, chính sách, nguồn lực để phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, Thường trực HĐND tỉnh đều kịp thời tổng hợp đưa vào kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ, chuyên đề hoặc kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc phối hợp với UBND tỉnh ban hành Văn bản số 197/HĐND-TT ngày 26/9/2022 về việc thực hiện quy trình xây dựng nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh nâng cao chất lượng công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật. Ngay từ giai đoạn đề nghị xây dựng nghị quyết, các Ban HĐND tỉnh đã nghiên cứu, làm rõ căn cứ (thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục), từ đó tham mưu, đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh phương án giải quyết (chấp thuận hay không chấp thuận) đề nghị xây dựng nghị quyết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sau khi xem xét tờ trình của UBND tỉnh và ý kiến các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã giải quyết 100% hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết bảo đảm đúng quy định, trong đó không chấp thuận một đề nghị xây dựng nghị quyết do không bảo đảm điều kiện theo quy định. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo thông qua việc trao đổi nghiệp vụ, đóng góp ý kiến, để đảm bảo việc xây dựng dự thảo nghị quyết tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật cũng như tình hình thực tế của tỉnh, đặc biệt là đối với những nghị quyết quy phạm quy định về chế độ, chính sách đặc thù đòi hỏi quy trình xây dựng chặt chẽ, thận trọng. Quá trình thẩm tra, các Ban HĐND tỉnh đã phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, tích cực nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, đánh giá, phân tích những mặt được, mặt còn tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể để cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo nghị quyết trước khi trình tại kỳ họp. Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc nội dung cần quan tâm, các Ban HĐND tỉnh đã kịp thời báo cáo, tham mưu Thường trực HĐND tỉnh để có phương án giải quyết kịp thời, phù hợp.
Thực hiện quy định của pháp luật và sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Ban HĐND tỉnh đã thẩm tra 503 đề án, dự thảo nghị quyết. Trong đó, nhất trí và đề nghị HĐND tỉnh thông qua 503 dự thảo nghị quyết; kiến nghị và được UBND tỉnh chấp nhận rút hai đề án, dự thảo nghị quyết khỏi chương trình kỳ họp (do không bảo đảm quy định); kiến nghị và được UBND tỉnh chấp nhận điều chỉnh/rút một phần nội dung dự thảo nghị quyết do không đảm bảo quy định hoặc phải thực hiện lại, bổ sung quy trình, thủ tục xây dựng văn bản trước khi trình HĐND tỉnh đối với ba đề án, dự thảo nghị quyết.
Một số nghị quyết gặp vướng mắc, bất cập giữa các quy định của pháp luật, hoặc giữa quy định của pháp luật với tinh thần chỉ đạo của cấp trên hoặc giữa quy định và yêu cầu thực tiễn, các Ban của HĐND tỉnh đề xuất phương án xử lý, đồng thời tham mưu cho Đảng đoàn và Thường trực HĐND tỉnh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất với UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh thể hiện rõ chính kiến, quan điểm của Ban đối với hồ sơ dự thảo nghị quyết, là cơ sở để các đại biểu HĐND thảo luận, xem xét, quyết định. Đến nay tất cả các nghị quyết của HĐND tỉnh đều phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Cùng với việc thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, nhất là kỳ họp thường lệ, hoạt động thảo luận tại tổ và tại hội trường đối với các dự thảo nghị quyết trước khi đại biểu HĐND biểu quyết thông qua được Thường trực HĐND tỉnh coi trọng thông qua việc thường xuyên chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh cho đại biểu; gợi ý nội dung thảo luận tại tổ đại biểu. Sau phiên thảo luận tổ, Chủ tọa kỳ họp xem xét kỹ các nội dung chưa thống nhất giữa báo cáo thẩm tra với nội dung trình của UBND tỉnh để đưa ra thảo luận tại hội trường; mời Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu và giải trình ngay tại kỳ họp. Qua đó các nghị quyết của kỳ họp HĐND tỉnh được ban hành khả thi, đúng quy định của pháp luật, là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của tập thể đại biểu HĐND và đại biểu tham dự kỳ họp. Sau mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm việc xây dựng và ban hành nghị quyết nhằm đảm bảo các nghị quyết được ban hành tiếp được đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Những đổi mới của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay trong tổ chức và hoạt động, nhất là trong việc quyết định đúng và trúng những vấn đề hướng tới người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi dự Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Nam Định đã khẳng định: HĐND tỉnh Nam Định đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương tích cực chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động. Nổi bật là, tổ chức các kỳ họp đúng luật định, khoa học, dân chủ và trí tuệ; ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để triển khai kịp thời và hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt yêu cầu về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới...
Thực tế đã chứng minh, các nghị quyết của HĐND tỉnh đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành cơ chế, chính sách của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh) bình quân ước đạt 9,2%/năm. Xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp tục trở thành một điểm sáng; đến nay, tỉnh đã có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; 21,3% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được tập trung chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023, góp phần quan trọng thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn đã đến nghiên cứu và đầu tư tại tỉnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực. Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/9/2024, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15, ngày 23/7/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được đầu tư xây dựng, mở rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích 30 năm nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Với việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, các nghị quyết của HĐND tỉnh Nam Định đã thực sự trở thành những quyết sách mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc trong việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.