Tác quyền nghệ thuật số - 'giấy khai sinh' còn bỏ ngỏ
Hơn 5 năm trước đây, các nền tảng NFT (Non-Fungible Token: mã hóa và giao dịch các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số trên nền tảng blockchain - PV) đổ bộ vào thị trường nghệ thuật trong nước, tạo công cụ để tác giả bảo vệ tài sản sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một hành lang pháp lý cụ thể giúp các nền tảng này được “danh chính ngôn thuận” hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu về bảo vệ bản quyền tác giả trong nước ngày càng lớn, riêng TPHCM đã có hàng ngàn hội viên hội nghề nghiệp (mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh...) và người thực hành sáng tạo tự do.
Không chỉ thiếu công cụ, chính những người sáng tác các tác phẩm nghệ thuật số cũng đang lúng túng, chưa quen với việc tạo “giấy khai sinh số” để bảo vệ tác phẩm của mình. Chỉ khi xảy ra “va chạm”, như phát hiện chuyện đạo, nhái tác phẩm hoặc tranh chấp pháp lý liên quan đến bản quyền, người trong cuộc mới quan tâm đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình…
Đây cũng chính là điểm yếu rõ ràng nhất, khiến chuyện tôn trọng bản quyền vẫn chưa được thượng tôn và thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp chưa thể hình thành bài bản ngay bước căn cơ nhất.
Câu chuyện của họa sĩ Tèo Phạm là một điển hình khi tác phẩm số của anh được đăng tải trên trang cá nhân đã bị sao chép, đem đi mã hóa NFT và rao bán thành công với giá gần 1.000 USD. Điều đáng nói là chuyện kiện tụng chưa đi đến đâu, chính đối tượng lấy cắp này lại bị một tài khoản khác đánh cắp và mã hóa, bán thêm lần nữa, khiến việc truy tìm và xóa bỏ vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, xu hướng ứng dụng AI vào quá trình thực hành sáng tạo đang ngày càng thịnh hành, nhưng câu hỏi lớn vẫn chưa có lời đáp: công nghệ chỉ dừng lại ở việc gợi mở ý tưởng, hay sẽ thực hiện đến từng chi tiết; sản phẩm do AI tạo ra có được xem là nghệ thuật; bản quyền thuộc về người tạo câu lệnh hay thuộc về AI?…
Công nghiệp văn hóa được xác định là mục tiêu phát triển quan trọng của Việt Nam và nhiều quốc gia. Trước khi tính toán con số đóng góp cụ thể cho nền kinh tế, điều cần quan tâm đầu tiên là làm sao xây dựng môi trường sáng tạo bài bản, chuyên nghiệp, từng bước hình thành thị trường với sự thượng tôn pháp luật… và vấn đề cốt lõi cho mọi giải pháp vẫn là ở con người.
Bản quyền không chỉ là quyền lợi, mà trước hết nó cần được hiểu đúng và đủ, nhất là trong bối cảnh đan xen nhiều vấn đề pháp lý như hiện nay. Bên cạnh đó, các công cụ cho vấn đề này cũng cần cập nhật liên tục để minh bạch và phù hợp với các xu hướng sáng tạo mới. Nó không chỉ giúp người thực hành sáng tạo dễ dàng ứng dụng, mà còn mang đến niềm tin cho người sáng tác cũng như những người thụ hưởng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tac-quyen-nghe-thuat-so-giay-khai-sinh-con-bo-ngo-post805328.html