Tắc từ đất lên trời, làm sao để hạ tầng Đông Nam Bộ 'cất cánh'?
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, song hạ tầng khu vực này đang bị tắc nghẽn vô cùng nghiêm trọng.
Thông tin này được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ” diễn ra ngày 22.11 tại TP. Vũng Tàu do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức.
Tắc “từ đất lên trời”
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, là “cửa ngõ” kinh tế của Việt Nam ra khu vực và thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ hàng năm có tỉ trọng đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ kim ngạch xuất nhập khẩu và ngân sách của cả nước.
Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trong đó, một trong những nguyên nhân được xác định là do điểm nghẽn hạ tầng giao thông ở cả ba tuyến gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Rất nhiều dự án tại Đông Nam Bộ đã được duyệt quy hoạch từ các giai đoạn trước đây nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, cho biết quy hoạch ở vùng Đông Nam Bộ đủ 5 phương thức vận tải, tư vấn trong và ngoài nước đều đã đánh giá là quy hoạch khá hợp lý, nhưng thực hiện đến nay thì quá chậm.
Cụ thể, Đông Nam Bộ có 11 tuyến cao tốc trong khu vực, với tổng chiều dài 970 km. Theo quy hoạch đến năm 2020, Đông Nam Bộ có 497 km đường cao tốc đưa vào khai thác nhưng hiện tại mới chỉ có 122 km, đang đầu tư khoảng 278 km.
TheoPGS.TS Trần Đình Thiên, giao thông đang là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam Bộ. Tại khu vực này, các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc ít nhưng lại triển khai rất chậm. Việc này khiến tình trạng ách tắc tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, các nút giao thông ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics cũng cho rằng hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông ở Đông Nam Bộ tắc nghẽn không những ở mặt đất mà cả trên trời, nhưng giải quyết vấn đề này còn rất hạn chế.
Trong các hạ tầng sân bay, Tân Sơn Nhất là trọng điểm nhưng đã quá tải cả về hành khách và vận tải hàng hóa. Còn sân bay Long Thành đang được xây dựng nhưng nếu chúng ta có 1,2 triệu tấn hàng hóa lưu thông thì trong tương lai cũng sẽ quá tải.
Không thiếu đất thiếu tiền, chỉ thiếu cơ chế
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá sự tắc nghẽn mặt đất và trên không tại Đông Nam Bộ đang gây hệ lũy lớn cho nền kinh tế.
Theo ông Ngân, Đông Nam Bộ hiện chỉ thiếu cơ chế chứ không phải thiếu tiền, thiếu đất. Cụ thể, xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất có rất nhiều đất quốc phòng. Nếu muốn đầu tư thì bao giờ cũng có một câu trong hợp đồng “đây là đất quốc phòng, Nhà nước có thể thu hồi bất kỳ lúc nào mà không đền bù” nên không ai dám đầu tư.
Chưa kể, nhiều đất quân đội chưa bàn giao cho dân sự nên không làm được, nhiều lúc 3 năm, 5 năm vẫn chưa xong. Trong khi đó, tư nhân hóa ở sân bay đã được nhắc từ 5 -7 năm trước nhưng cơ chế cho việc này còn nửa vời, còn doanh nghiệp hàng không đang phát triển mạnh và nhu cầu rất lớn.
Do vậy, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng Đông Nam Bộ cần cơ chế để chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, đồng thời phải có quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế của cả nước, ông Ngân nói cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương, theo hướng tăng phân bổ đầu tư cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vì vậy, ông Ngân đưa ra các kiến nghị về ngân sách để đảm bảo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, tạo ra cực phát triển trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế của cả nước. Cùng với đó, Chính phủ phải đẩy nhanh xử lý tồn đọng các dự án đầu tư với các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020.
“Đã đến lúc đầu tư cho vùng nào có khả năng sinh sôi nguồn lực cho cả nước, chỗ nào sinh lời, hiệu quả cao cần tập trung đầu tư”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng phát triển TP.HCM, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là lợi ích chiến lược quốc gia. Vì vậy, cần thay đổi tư duy chiến lược và phương thức hành động trong việc phát triển kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ. Nhà nước cần tập trung ưu tiên và có cơ chế phát triển vượt trước cho vùng Đông Nam Bộ để khu vực này trở thành đầu tàu hiện đại, vùng dẫn dắt mới phát huy đúng lợi thế và tiềm năng.
Ông Thiên nói rằng Nhà nước cần thay đổi cách tiếp cận lợi ích, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích doanh nghiệp khi chung sức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Việc này không phải là “tranh chấp lợi ích” mà là phối hợp các tuyến lợi ích.