Tắc vốn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khó thông tuyến cuối năm nay
Vướng thủ tục chưa giải quyết cùng hạn mặn khốc liệt ở miền Tây đang 'đe dọa' tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trên 'đường đua' về đích.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, hạn định thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cuối năm 2020 và hoàn thành dự án vào năm 2021 theo kế hoạch hiện đang đứng trước nguy cơ không thực hiện được.
Ông cho biết, dự án đang gặp khó khăn do thủ tục cấp vốn vẫn bị tắc. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án 2.186 tỷ đồng nhưng hiện nay vẫn còn 410 tỷ đồng vẫn đang vướng mắc về thủ tục chưa được giải ngân.
Trong khi đó, vốn tín dụng ngân hàng dự án cao tốc này chiếm hơn 50% tổng vốn dự án là 12.668 tỷ dù đã ký kết nhưng sau hơn 2 tháng vẫn chưa được giải ngân.
“Theo điều khoản trong hợp đồng tín dụng đến ngày 16/3/2020 nếu vốn này không được giải ngân thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực. Như vậy, chỉ còn 2 tuần nữa nguồn vốn sẽ hết hiệu lực. Nếu không được giải ngân thì tiến độ chung của dự án sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng"- ông Vinh thông tin.
Hạn mặn ‘đe dọa’ tiến độ dự án
Khảo sát một vòng công trường thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện các nhà thầu vẫn đang nỗ lực ‘vượt khó’, tổ chức thi công. Các gói thầu cũng đã cơ bản hoàn thành cắm bấc thấm để chuyển sang thi công đắp cát gia tải, đuổi kịp tiến độ chung của toàn dự án.
Tại gói thầu số 8 (do nhà thầu Hoàng An thực hiện thi công 2 cầu và 2,4 km đường cao tốc qua xã Phước Lập, H. Tân Phước, Tiền Giang), hiện tiến độ gói thầu đã chậm hơn 10% so với thiết kế đã được chủ đầu tư thông qua.
Ông Nguyễn Văn Phải, chỉ huy trưởng công trình gói thầu số 8 cho biết, hiện nhà thầu đang gặp khó khăn vì tiền ứng từ chủ đầu tư đã gần cạn kiệt, trong khi khối lượng thi công dôi dư thực tế vẫn chưa được tạm ứng.
“Chủ đầu tư nói với chúng tôi rằng họ cũng đang gặp khó khăn vì ngân hàng chưa giải ngân nguồn vốn tín dụng.”- ông Phải nói.
Đặc biệt, ông cho biết hiện nay vấn đề hạn mặn cũng đang đe dọa đến tiến độ khiến dự án bị chậm.
“Do phòng chống xâm nhập mặn nên UBND tỉnh Tiền Giang đã ngăn tạm dòng kênh Xáng ngay điểm đầu dòng kênh giáp với sông Tiền. Do vậy, các đối tác cung cấp cát lấp phải di chuyển sà lan nhỏ hơn và lộ trình xa hơn nên họ muốn được tăng giá từ 60.000 đồng/m3 lên 90.000 đồng/m3. Thêm nữa, việc di chuyển đường vòng chậm chạp nên nhu cầu 30.000 m3 cát/ngày của nhà thầu đã không được phía đối tác đáp ứng”- ông Phải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, khối lượng dự án đã đạt 34%. Tháng 3 và 4 sẽ cần nguồn lực về tài chính rất lớn để thực hiện các hạng mục thi công móng, cọc và gia tải xử lý nền cốt đất yếu.
Theo Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đối với những khó khăn của nhà thầu phía chủ đầu tư sẽ tạo mọi điều kiện, có chính sách hỗ trợ các nhà thầu làm tốt, đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, với những nhà thầu thiếu năng lực, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung thì chủ đầu tư sẽ cắt chuyển khối lượng hoặc bổ sung nhà thầu khác thay thế.
Chủ đầu tư cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để dự án thi công đúng tiến độ, chất lượng và kỹ thuật. Đối với các hạng mục phát hiện sai sót sẽ kiên quyết tháo bỏ, thi công lại.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tháng 11/2009, dự án được khởi công nhưng sau đó liên tục rơi vào bế tắc, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thậm chí, thời điểm dự án có nguy cơ 'vỡ trận' buộc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Bộ GTVT chấp thuận mời nhà đầu tư có đủ năng lực là Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án.
Sau khi tham gia vào dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ và dự án được tái khởi động vào tháng 4/2019 với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Chính phủ.