Tách 2 luật về giao thông làm sao để tránh chồng chéo, lãng phí?
Thảo luận tại tổ sáng 11/9, các vấn đề sửa Luật Giao thông đường bộ theo hướng tách thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, vẫn còn nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều.
Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Giao thông đường bộ theo hướng tách thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đa số ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của 2 dự thảo Luật để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đoàn TPHCM nêu ý kiến, khi sửa luật thì Chính phủ tách thành 2 luật. Hiện Luật Giao thông đường bộ bao gồm cả 5 trụ cột chính: pháp luật, hạ tầng, phương tiện, thái độ ứng xử, người tham gia giao thông. Việc thiết kế luật phải đảm bảo đồng bộ cả 5 yếu tố này. Do đó, khi tách ra thành 2 luật thì khó tránh khỏi chồng chéo, trùng lắp.
“Chia đôi nội dung hạ tầng giao thông đường bộ và phương tiện giao thông là không ổn, chưa phù hợp. Cần bảo đảm có luật mẹ về giao thông đường bộ, nếu cần thiết thì có luật chuyên ngành sau, một dự án luật còn nhiều tranh cãi thì không nên thông qua ngay, mà cần thời gian để thảo luận thêm” - đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc tách 2 luật từ Luật Giao thông đường bộ ra nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng và rất bức xúc trong xã hội hiện nay. Một là phải tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ; hai là làm sao giải quyết trật tự an toàn giao thông đường bộ.
“Nôm na cứ ở đâu có đường là ở đó phát triển, sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi nhất cho sự ổn định và phát triển” - Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Hiện nay, thực trạng mất an toàn giao thông đường bộ rất lớn. Có lần đại biểu chất vấn hỏi tôi đánh giá thế nào, tôi nói đánh giá là vi phạm phổ biến và tràn lan, không cần đánh giá và báo cáo, chỉ cần ra đường là nhìn thấy ai cũng có thể vi phạm được, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm.
Vấn đề chuyển cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Quốc hội Cần Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an sẽ gây lãng phí về nguồn lực con người và cơ sở vật chất hiện nay. Do vậy, ban soạn thảo cần làm rõ số cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo, sát hạch bằng lái xe được sắp xếp thế nào? Số cán bộ hiện nay ở các cơ sở đào tạo, sát hạch sẽ làm gì trong thời gian tới, vì họ không phải là công an?
Đại biểu Quốc hội Ngô Minh Châu (đoàn TPHCM) thì cho rằng, chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe thực chất là trả lại cho ngành công an, trước đây, công an đã từng quản lý lĩnh vực này. Cấp phép giấy phép lái xe giao cho công an sẽ thuận lợi hơn vì công an có cơ sở dữ liệu dùng chung.
Ngoài vấn đề chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, giao thông tĩnh của các thành phố lớn cũng là vấn đề nhiều đại biểu đặt ra. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) cho rằng, luật cần quy định cụ thể các công trình loại nào như chung cư, trung tâm thương mại thì phải đảm bảo được giao thông tĩnh khi triển khai dự án, có quy hoạch về giao thông tĩnh rõ ràng, không cào bằng và chung chung như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cũng nêu việc thiếu bãi đỗ xe ở các đô thị. Dự thảo luật chưa có quy định về tỷ lệ giao thông tĩnh trong quy hoạch chung của địa phương. Giao thông nông thôn cũng là nội dung cần được đề cập, vì nông thôn bây giờ đã nhiều ô tô mà đường lại rất nhỏ, không có bãi đỗ xe công cộng cho người dân./.