Tách bạch luật về TTATGT với luật về xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông
Việc xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về TTATGT đường bộ
Chiều 24/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.
Cần thiết ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư xác định: Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT.
Hai là, xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, TTATGT.
Ba là, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm TTATGT đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, bảo đảm TTATGT đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ lại thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hai lĩnh vực này có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau, trong đó, bảo đảm TTATGT với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông.
Bốn là, TTATGT đường bộ đang diễn biến rất phức tạp, vi phạm xảy ra phổ biến là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đáng báo động. Qua thống kê cho thấy, trong hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã làm chết trên 100 nghìn người, bị thương trên 330 nghìn người. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… Đường bộ là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, như: trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu…
Năm là, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng về TTATGT, tách bạch với luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục đích của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; góp phần xây dựng trật tự, an toàn giao thông tiến bộ, văn minh, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.
Việc xây dựng Luật với quan điểm bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của một số quốc gia để quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự thảo Luật gồm 8 chương, 71 điều và nhấn mạnh, việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.
Quá trình xây dựng dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ.
Với việc xây dựng độc lập Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực là bảo đảm an ninh, TTATGT đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.
Nhất trí cần thiết ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về TTATGT đường bộ.
Thực tế cho thấy, tình hình TTATGT đường bộ còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà và làm giảm niềm tin trong nhân dân… đòi hỏi phải xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi; đã nội luật hóa đa số các quy định trong Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ và bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, không để chồng chéo, trùng lặp với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Giao việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an là phù hợp
Về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Võ Trọng Việt cho biết, đây cũng là một biện pháp phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện Giao thông đường bộ. Vì vậy, khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGTđường bộ là phù hợp.
Về các hạng giấy phép lái xe Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật quy định 11 hạng GPLX là thống nhất với Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ, đồng thời tại điều khoản chuyển tiếp quy định các loại GPLX đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực (khoản 3 Điều 71), trường hợp cấp lại thì cấp theo quy định mới của Luật này (khoản 2 Điều 71), nên không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp GPLX.
Còn đối với các ý kiến khác Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc với điều kiện của Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Ủy ban cho rằng, bảo đảm TTATGT đường bộ có những nội dung đặc thù, nên việc Quốc hội quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành liên quan trong dự thảo Luật này là phù hợp, nhưng cần phải quy định bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung đặc thù và bảo đảm khả thi. Về trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, cần có sự nghiên kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính.