Tách bạch quản lý vốn và quản trị doanh nghiệp

Bộ Tài chính đề xuất quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo dòng vốn đầu tư thay cho quản lý theo pháp nhân như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tỏ ra lo lắng trước cách thức quản lý này bởi nếu vốn chảy đến đâu, quản lý đến đó sẽ nảy sinh nhiều thủ tục trong đầu tư, kinh doanh. Đây là vấn đề được quan tâm thảo luận tại tọa đàm lấy ý kiến dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 29/7 do Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chủ trì tổ chức.

Một số đại diện doanh nghiệp Nhà nước cho rằng: Vốn của Nhà nước chảy đến đâu thì phải quản lý đến đó, về lý thuyết là đúng, nhưng khi thực hiện vô cùng khó khăn. Nếu áp dụng quản lý theo cách này, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ phát sinh rất nhiều công việc khi phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện dự án. Cùng với đó, do doanh nghiệp con hay còn gọi là F2, F3 lại đa dạng nhiều hình thức, sẽ bị chi phối bởi nhiều luật chuyên ngành khác nhau.

Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, đại diện Ban soạn thảo, cho biết, tinh thần của Dự thảo Luật nhằm thích ứng với thị trường trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi lại vốn Nhà nước, trong đó, cố gắng xử lý các ách tắc hiện nay của doanh nghiệp như vấn đề quản trị, quản lý doanh nghiệp F1, F2.

Quan điểm Ban soạn thảo Luật là không quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp, chỉ quản lý dòng vốn. Với vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp F2, thậm chí tới F10 nhưng giá trị đầu tư rất lớn, tác động nền kinh tế. Vì vậy, Ban soạn thảo đề xuất quản lý theo dòng vốn, phân chia mức vốn đầu tư để quyết định chủ trương đầu tư.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga - Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tach-bach-quan-ly-von-va-quan-tri-doanh-nghiep-230447.htm