Tách khỏi EVN, A0 có thể mang theo khoản nợ gần 3 triệu USD về Bộ Công Thương
Toàn bộ nhân sự và hai khoản vay lại vốn ODA gần 3 triệu USD của A0 có thể được chuyển nguyên trạng từ EVN về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và sau đó là Bộ Công Thương.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến đề án tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến, A0 tách khỏi EVN về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trước khi chuyển sang Bộ Công Thương.
Khoản vay gần 3 triệu USD của A0 không chịu rủi ro tín dụng
Theo đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sau khi tách khỏi EVN sẽ trở thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), 100% vốn Nhà nước với vốn điều lệ 776 tỉ đồng.
Công ty sẽ cung cấp dịch vụ điều độ và điều hành giao dịch thị trường điện và thực hiện thu, chi phí mua dịch vụ điều độ, điều hành giao dịch thị trường điện và lợi nhuận định mức từ EVN thông qua cơ chế hợp đồng cung cấp dịch vụ. Bộ Công Thương được giao trách nhiệm hướng dẫn xác định các chi phí.
Theo tính toán của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khi hoạt động độc lập, NSMO có 630 tỉ đồng vốn chủ sở hữu và 146 tỉ đồng tại các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường phát điện cạnh tranh chưa được quyết toán và đang đầu tư năm 2023. Tổng mức vốn điều lệ 776 tỉ đồng đảm bảo sau khi tách khỏi EVN, A0 vẫn hoạt động bình thường, vận hành ổn định, liên tục và không ảnh hưởng tới các dự án đầu tư năm 2023.
Theo báo cáo, EVN đang cấp vốn vay cho A0 qua hai khoản vay thuộc hiệp định vay của Ngân hàng Thế giới gồm 1,56 triệu USD cho dự án Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mới và gần 1,35 triệu USD đầu tư dự án cơ sở hạ tầng thông tin cho thị trường phát điện cạnh tranh. Đây là các khoản vay lại không chịu rủi ro tín dụng. Tài sản hình thành từ các nguồn vốn vay này đang được thế chấp tại các cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền. Do đó, theo quy định về quản lý nợ công, EVN có thể chuyển giao nghĩa vụ nợ cho A0 khi có sự chấp thuận của Thủ tướng.
Tại tờ trình, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề xuất Thủ tướng chấp thuận bàn giao hai khoản vay trên từ EVN sang NSMO sau khi thành lập. Công ty này sẽ trực tiếp ký hợp đồng vay lại, hợp đồng thế chấp tài sản và trả nợ các cơ quan cho vay lại. Trong thời gian chuyển giao, EVN tiếp tục trả nợ các cơ quan cho vay lại và NSMO hoàn trả lại cho EVN.
Sau khi A0 tách khỏi EVN, tiếp tục sử dụng nguyên trạng toàn bộ 446 lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cùng các cơ quan xác định tiền lương của người lao động tại công ty mới được thành lập. Tại thời điểm 30/6/2023, A0 có 448 lao động. Tính đến ngày 15/8, A0 có 446 lao động (5 lao động nghỉ việc và 3 tuyển mới so với thời điểm 30/6, 1 lao động đang nghỉ hưởng chế độ thai sản). EVN đã chỉ đạo và A0 hoàn thiện phương án sắp xếp, sử dụng lao động theo quy định. Số lao động tiếp tục sử dụng tại doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại là 446 người.
Trước đó, ngày 13/9, EVN đã có văn số 5409/EVN-TCNS báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về phương án sử dụng lao động của A0. NSMO sẽ tiếp nhận nguyên trạng số lao động của A0 tại thời điểm tách theo Phương án sử dụng lao động được phê duyệt, kế thừa và thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ đối với người lao động.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với phương án sử dụng lao động đã trình của EVN và sẽ chỉ đạo thực hiện sau khi đề án được phê duyệt.