Tách Luật Giao thông đường bộ, nhiều đại biểu lo chồng chéo

Góp ý cho dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ngày 16/11, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm nhất là việc tách Luật này thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, và chuyển quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh phát biểu tại phiên thảo luận.

Nhiều nội dung chồng chéo, khó rạch ròi trách nhiệm

Cho rằng việc tác Luật này là "khiên cưỡng và áp đặt, không có cơ sở khách quan, khoa học, chắc chắn không thuyết phục", đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) liệt kê nhiều nguyên nhân liên quan đến chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan. Đại biểu cũng phân tích, mức độ an toàn giao thông phụ thuộc và chịu tác động của 4 thành tố về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Trong trường hợp cả 2 bộ cùng tham gia quản lý theo cách mà dự án Luật quy định là tách bạch lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì khi có vụ việc xảy ra mà lý do từ các thành tố tổng hợp thì ngành nào sẽ phải chịu trách nhiệm? "Chắc chắn là không ai cả", đại biểu nói.

Bên cạnh đó, các Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đang có kết cấu bao gồm 4 thành tố tương tự như Luật Giao thông đường bộ mang tính quy chuẩn, thống nhất, đồng bộ. Nếu tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật sẽ phá vỡ kết cấu vốn đã hợp lý, logic trong hệ thống pháp luật nước nhà và sẽ tạo ra một tiền đề hết sức nguy hiểm cho công tác xây dựng pháp luật sau này.

Đây cũng là quan điểm được nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng hai dự thảo Luật có nhiều nội dung trùng lắp, khó phân tích rạch ròi. Những hạn chế, bất cập mà dự thảo nêu có thể khắc phục được từ việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, hơn nữa cũng không có gì đảm bảo việc tách luật sẽ đảm bảo tốt hơn cho an toàn giao thông.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, các yếu tố liên quan đến giao thông đường bộ là hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và quy tắc về giao thông đường bộ phải gắn kết chặt chẽ với nhau, nếu tách ra thành 2 luật sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, khó khăn. Hơn nữa, rất khó phân định rạch ròi nhiều yếu tố trong cả 2 dự án luật này và khi triển khai thực tiễn sẽ gặp nhiều vướng mắc, có nguy cơ trùng giẫm lên nhau giữa hai cơ quan.

Còn theo đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên), thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 11 không còn nhiều trong khi cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phải phụ trách 3 dự án luật rất quan trọng là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở. Để đảm bảo có thời gian nhiều hơn nữa để xem xét, đánh giá để làm rõ 2 nội dung này, đại biểu đề nghị dự án luật này lùi lại để trình Quốc hội khóa XV.

Chuyển quyền cấp giấy phép lái xe có nguy cơ gây lãng phí, tốn kém

Phân tích về việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, điều này không phù hợp với chủ trương của Đảng. Cụ thể, tại Nghị quyết số 17 ngày 1/8/2007, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thứ năm, khóa X chủ trương: một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, công an quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Thực tế, từ năm 1995, Bộ Giao thông vận tải đã nhận nhiệm vụ quản lý việc cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ Công an sang, khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đến nay, đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô đã được xã hội hóa 100% với hệ thống vật chất trang thiết bị tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phù hợp với thực tiễn. Ngành Giao thông vận tải đã và đang triển khai đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại trong việc cấp đổi, quản lý giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ và 63 sở giao thông vận tải trong cả nước, đã thực hiện trên Cổng Dịch vụ quốc gia về thủ tục đổi giấy phép lái xe với cấp độ 3. Như vậy, về cơ bản, ngành Giao thông vận tải đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhiệm vụ được giao.

Hơn nữa, hiện nay ngành Giao thông vận tải có khoảng 2.200 cán bộ, công chức, viên chức đang làm nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực này. Trong trường hợp chuyển sang Bộ Công an sẽ phải sắp xếp cho lực lượng lao động này, trong khi Bộ Công an lại phải bổ sung thêm lực lượng để tiếp nhận công việc mới. Ngoài ra, toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của ngành Giao thông vận tải có nguy cơ bị lãng phí, trong khi ngành Công an lại phải đầu tư trang thiết bị bổ sung gây tốn kém cho ngân sách.

Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ ra rằng hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có hiện tượng làm giả, thậm chí có cả tiền giả. Vậy giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, sổ hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Do đó, "nếu cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan này thì lại chuyển sang cho cơ quan quản lý khác, rất không hợp lý, sẽ gây rối xã hội", đại biểu nói và đề nghị không chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an cũng như không tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật./.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-11-16/tach-luat-giao-thong-duong-bo-nhieu-dai-bieu-lo-chong-cheo-95342.aspx