'Tách ra' rồi lại 'nhập vào'
Việc cấp có thẩm quyền mới đây quyết định tạm dừng thí điểm hợp nhất một số văn phòng; sáp nhập sở, ngành và dừng thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh, cấp huyện để nghiên cứu tổng kết, đánh giá cho thấy, chuyện 'tách ra rồi lại nhập vào' vẫn là một vấn đề lớn trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cải cách, tổ chức bộ máy luôn là một vấn đề khó. Quá trình thực hiện không khỏi nảy sinh những vấn đề mới, phức tạp, cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Bởi đụng đến tổ chức, bộ máy là đụng đến con người, đụng đến tâm tư, tình cảm, lợi ích, chưa kể lực cản “tăng ghế thì dễ, giảm ghế rất khó”. Cũng vì khó khăn, phức tạp đó nên tinh gọn, cải cách bộ máy trong hàng chục năm qua luôn là vấn đề “hóc búa”, thậm chí có giai đoạn càng hô tinh giảm thì bộ máy, biên chế càng phình to; càng hô tiết kiệm thì chi cho bộ máy lại càng tăng…
Trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về tổ chức, bộ máy, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) từng phải thốt lên rằng: “Nếu cái bánh ngân sách có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”.
Trước thực tế trên, tháng 10/2017, với phương châm “việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay; việc nào chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau thì nghiên cứu, mạnh dạn cho làm thí điểm rồi tổng kết, mở rộng dần”, Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận và thống nhất thông qua Nghị quyết Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả (Nghị quyết 18).
Theo đó, hàng loạt những cải cách mang tính đột phá đã được Trung ương quyết định hoặc thực hiện thí điểm như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hợp nhất 3 văn phòng HĐND, đoàn đại biểu QH, UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung; thực hiện thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…
Ngay sau khi Nghị quyết 18 được ban hành, một làn gió mới, một xu thế cải cách mới đã “thổi” vào sự ngại ngần, né tránh trước đây của nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền trong việc sắp xếp tổ chức, bộ máy. Một số địa phương, bộ ngành đã mạnh dạn thí điểm thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đơn vị. Điển hình như Lào Cai, hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng; Hà Giang hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Bộ Công an bỏ mô hình tổng cục, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị qua đó giảm 6 tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 20 cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, 819 đơn vị cấp phòng và trên 2.000 đơn vị cấp đội…
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, trong năm 2019, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm khoảng 10.000 tỷ đồng khi bố trí ngân sách cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Cải cách tổ chức, bộ máy luôn là việc phức tạp, gặp nhiều lực cản , đòi hỏi phải có một quá trình liên tục, lâu dài, quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Song với những kết quả đạt được sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 18 là điều tích cực để nhiệm kỳ tới đây tiếp tục tổng kết, nghiên cứu và có những giải pháp cải cách mang tính căn cơ, dài hơi hơn, tránh điệp khúc “tách ra rồi lại nhập vào”, “nhập vào rồi lại tách ra”… Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu tinh gọn tổ chức, bộ máy, xây dựng nền hành chính công vụ hiệu quả trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tach-ra-roi-lai-nhap-vao-post1275612.tpo