Taekwondo Thái lên đỉnh Olympic từ bài học taekwondo Việt Nam

Chiếc HCV Olympic lịch sử mà võ sĩ Panipak Wongpattanakit lần đầu tiên đem về cho Thái Lan đã khiến taekwondo Việt Nam buộc phải nhìn lại mình.

Hành trình taekwondo Thái Lan đầu tư để nữ võ sĩ sinh năm 1997 Panipak trở thành nhà vô địch thế vận hội thực sự rất đáng để các đối thủ phải học hỏi. Cần nhớ rằng năm 1997 cũng chính là thời điểm diễn ra SEA Games 19, kỳ đại hội mà võ thuật Việt Nam (VN) đặc biệt là taekwondo được xem là “bá chủ” khu vực với các tên tuổi như Trần Hiếu Ngân, Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống (Taekwondo), Cao Ngọc Phương Trinh (Judo), ... Thậm chí chỉ ba năm trước đó, võ sĩ Trần Quang Hạ còn xuất sắc đem về chiếc HCV Asiad đầu tiên cho VN tại Hiroshima (Nhật Bản).

Cũng ở thời điểm nêu trên, nếu như VN thường xuyên là điểm đến của các võ sĩ taekwondo sang tranh tài ở các giải đấu quốc tế thì Thái Lan vẫn được xem là quốc gia còn “tập tành” với môn võ có xuất xứ từ Hàn Quốc. Thậm chí, một số lãnh đạo bộ môn VN thời đó còn bật mí taekwondo Thái Lan thường xuyên thỉnh cầu VN mời sang VN tham dự giải chỉ để được học hỏi và cọ xát.

Panipak mang vinh quang về cho taekwondo Thái Lan, dù quốc gia này đi sau Việt Nam rất lâu ở môn võ này. Ảnh: AFP

Panipak mang vinh quang về cho taekwondo Thái Lan, dù quốc gia này đi sau Việt Nam rất lâu ở môn võ này. Ảnh: AFP

Tại Olympic Sydney 2000 (Úc), thời điểm được xem là cực thịnh của taekwondo VN, đánh dấu sự lên ngôi của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân khi cô xuất sắc đem về chiếc HCB Olympic đầu tiên trong lịch sử. Tại trận chung kết khiến những CĐV thể thao VN mất ăn mất ngủ thời đó, Hiếu Ngân chỉ chấp nhận thất thủ trước võ sĩ người Hàn Quốc, một cường quốc thế giới về taekwondo.

Hơn 20 năm sau cơn địa chấn của Hiếu Ngân, taekwondo VN đang đi thụt lùi so với đại kình địch khu vực Thái Lan.

Nhìn lại cuộc đối đầu giữa Trương Thị Kim Tuyền và Panipak tại tứ kết hạng 49 kg nữ, phần nào cũng thấy được sự hụt hơi giữa hai nền taekwondo của hai quốc gia. Tại cuộc đối đầu này, dù Kim Tuyền xuất thần dẫn điểm 9-5 ở hai hiệp đầu nhưng khi vào hiệp quyết định, cô gái người Vĩnh Long phòng thủ sơ hở, để đối thủ liên tục ghi điểm và lội ngược dòng, giành chiến thắng cách biệt 20-11.

Thất bại khiến Kim Tuyền để thua đối thủ dưới cơ Semberg Ibishg 1-22, mất luôn cơ hội cạnh tranh tại vòng đấu hướng đến chiếc HCĐ.

Ở chiều ngược lại, cú đá cuối cùng ghi điểm trước Adriana trong trận chung kết đã giúp Panipak thắng nghẹt thở 11-10, đem về chiếc HLV Olympic lịch sử cho taekwondo Thái Lan.

Để có được thành công trên, taekwondo Thái Lan đã phải đầu tư cực lớn vào Panipak. Tờ Siam Sport bật mí cô được bay hạng thương gia sang Nhật nhằm tránh rủi ro nhiễm COVID-19. Cùng với đó, quá trình tập luyện, nghiên cứu mọi đối thủ của Panipak cũng được ban huấn luyện nghiên cứu kỹ đến “chân tơ kẽ tóc”.

Cụ thể, thay vì tập luyện với các đồng nghiệp nữ, cô gái sinh năm 1997 được rèn giũa với các võ sĩ nam. Theo đó, bảy võ sĩ nam sẽ mô phỏng cách ra đòn của từng đối thủ của Panipak tại Olympic Tokyo nhằm giúp cô hoàn thiện kỹ chiến thuật theo hướng dẫn của chuyên gia Che Young-seok.

Tại Olympic 2020, đoàn thể thao Thái lan đặt mục tiêu giành 1-3 HCV. Và taekwondo tuy sinh sau đẻ muộn hơn so với VN đã giúp người Thái hoàn thành 1/3 chặng đường.

Hôm nay, Ánh Viên xuất trận

Trong ngày thi đấu thứ tư (26-7) tại Olympic, đoàn thể thao VN có vỏn vẹn hai VĐV tranh tài.

Môn cầu lông diễn ra lúc 12 giờ, tay vợt Nguyễn Thùy Linh sẽ đấu lượt hai vòng bảng P, gặp cựu số một thế giới Tai Tzu-Ying (Đài Loan). Một chiến thắng nữa sẽ đảm bảo cho Thùy Linh một vé đi tiếp vào vòng trong.

Môn bơi, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên dự vòng loại cự ly 200 m tự do nữ. Ánh Viên bơi ở đợt vòng loại thứ hai trên làn số 8, diễn ra lúc 17 giờ. Vòng loại sẽ chọn ra 16 kình ngư có thành tích tốt nhất vào bán kết.

MINH QUANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/the-thao/taekwondo-thai-len-dinh-olympic-tu-bai-hoc-taekwondo-viet-nam-1003515.html