Tái chế chất thải thành bao bì thân thiện môi trường

Các nhà khoa học Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã sản xuất thành công sản phẩm bao bì từ nhựa phế thải thân thiện với môi trường.

Tìm hướng đi cho rác thải nhựa

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mỗi năm trên thế giới có khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường. Trung bình cứ 1 phút trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Trong số chất thải nhựa được thải ra, có tới 78% bị chôn lấp/vứt bỏ vào môi trường, 11% bị đốt và chỉ có 9% trong số đó được tái chế.

Sản phẩm thân thiện môi trường của dự án đã hiện diện tại hệ thống các siêu thị, phân phối bán lẻ ở Hà Nội

Sản phẩm thân thiện môi trường của dự án đã hiện diện tại hệ thống các siêu thị, phân phối bán lẻ ở Hà Nội

Chất thải nhựa (chủ yếu là nhựa PE) có đặc tính không phân hủy, tồn tại trong thời gian dài. Bên cạnh đó, chất thải nhựa nếu không được thu gom, xử lý đúng cách, sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Đối với các loại túi nilon, ống hút hay cốc nhựa sử dụng 1 lần, khi xử lý với nhiệt độ cao đều sẽ sinh ra khí thải có chứa dioxin và furan, đây là những chất cực độc đối với sức khỏe con người.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện nay Việt Nam là quốc gia xếp thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines về xả chất thải nhựa ra biển. Ước tính mỗi năm, Việt Nam thải 3,1 triệu tấn chất thải nhựa ra môi trường, trong đó lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28-0,73 triệu tấn. Với sự gia tăng dân số nhanh chóng, đô thị hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ, nếu không có biện pháp xử lý chất thải nhựa phù hợp, khối lượng chất thải nhựa tại Việt Nam sẽ tăng gấp 3-4 lần so với hiện tại.

Ứng dụng thực tiễn

Trước đây, có nhiều nghiên cứu trong nước tiến hành xử lý chất thải nhựa bằng cách kết hợp nhựa PE với tinh bột, bột gỗ, sợi cellulose... nhờ quá trình trộn hợp và tạo hạt (compounding) hoặc chế tạo polyme phân hủy sinh học từ poly (lactic acid) và polyvinyl ancol. Tuy nhiên, các giải pháp trên đều có nhược điểm là độ bền cơ học thấp và dễ bị biến đổi khi nhiệt tăng, không phù hợp để sản xuất các sản phẩm yêu cầu độ bền cao.

Các sản phẩm của nhóm nghiên cứu đã được đưa vào sử dụng tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội (Chuỗi cửa hàng tiện ích HAPROFOOD) và các siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Các tác giả cũng đang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “LT GreenBag Thân thiện môi trường” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ.

Nhằm khắc phục các nhược điểm trên, thông qua thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và xây dựng dây chuyền sản xuất một số sản phẩm bao bì chất dẻo thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học”, nhóm nghiên cứu Viện Hóa học đã ứng dụng công nghệ phân hủy OXO (công nghệ phân hủy thông qua con đường oxi hóa phân rã thành các hạt vi nhựa) để sản xuất bao bì chất lượng cao song vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường. PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết: Dự án đã áp dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo sản phẩm bao bì dai, chịu nhiệt tới 100oC, thời gian tự phân hủy chỉ từ 18 - 36 tháng.

Sau 2 năm thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công 4 sản phẩm từ nhựa thải bao gồm: 503,6 kg túi đựng rác tự hủy (thời gian phân hủy 18 tháng), 503,2 kg túi mua hàng phân hủy sinh học (thời gian phân hủy 24 tháng); 503,4 kg túi đựng thực phẩm phân hủy sinh học có độ chịu nhiệt lên tới 100oC (thời gian phân hủy 36 tháng) và 307,3 kg hạt nhựa phụ gia xúc tiến phân hủy.

Thành công của dự án đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm bao bì chất dẻo, ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp bao bì, bước tiến mới trong việc thúc đẩy, phát triển công nghệ sản xuất bao bì chất dẻo thân thiện với môi trường có khả năng phân hủy sinh học. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, cả nước không còn sử dụng đồ nhựa dùng một lần mà Chính phủ đã đặt ra.

Hường Kỳ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tai-che-chat-thai-thanh-bao-bi-than-thien-moi-truong-274888-274888.html