Tài chính biến động, Đạm Cà Mau ghi nhận nợ tăng hơn 44%

Tình hình tài chính của Đạm Cà Mau có nhiều biến chuyển trong 9 tháng đầu năm 2023, bao gồm việc doanh nghiệp này có thêm 700 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, trong khi nợ phải trả tăng lên mức 5.146 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính công bố ngày 24/10 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM), tính đến ngày 30/9 tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức 14.714 tỷ đồng, tăng 3,8% so với mức 14.166 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm 2023.

Biến động lớn đến từ mục tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp khi tăng từ 11.624 tỷ đồng lên 12.378 tỷ đồng. Trong đó, Đạm Cà Mau có 391 triệu đồng tiền mặt, giảm 549 triệu đồng so với ngày đầu năm; tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn đạt mức 2.284 tỷ đồng, tăng 7,5%.

Đáng chú ý, khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 12 tháng tại các ngân hàng thương mại của Đạm Cà Mau đã tăng từ 6.812 tỷ đồng lên 7.512 tỷ đồng.

Trong vòng 9 tháng, hàng tồn kho của doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ 0,08%, từ 2.421 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2023 xuống 2.419 tỷ đồng tại ngày 30/9. Trong khi đó, khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho của doanh nghiệp lại giảm sâu tới 99%, từ 139 tỷ đồng xuống còn 1,2 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đạm Cà Mau đã sản xuất 798.740 tấn phân bón, bao gồm 708.330 tấn ure và 90.410 tấn NPK. Doanh nghiệp cũng tiêu thụ 939.280 tấn phân bón (riêng ure là 671.110 tấn, NPK là 84.310 tấn), tương ứng hoàn thành 76% kế hoạch tiêu thụ phân bón cả năm 2023.

Nợ của Đạm Cà Mau đến ngày 30/9 ở mức 5.146 tỷ đồng, tăng 44,5% so với mức 3.561 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2023. Khoản người mua trả tiền trước tăng từ 106 tỷ đồng lên 461 tỷ đồng; chi phí ngắn hạn cũng tăng từ 238 tỷ đồng lên 684 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp đã cao gấp 116 lần, từ 2,5 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2023 lên 292 tỷ đồng tại ngày 30/9. Trong đó, Đạm Cà Mau đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn với ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thủ Thiêm nhằm bổ sung nhu cầu vốn lưu động. Khoản vay này có kỳ hạn 2 tháng với lãi suất khoản vay là 3,2%/năm. Tại ngày 30/9, số dư gốc của khoản vay là 11,92 triệu USD, tương đương 291,6 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản vay là khoản tiền gửi có kỳ hạn với số tiền 100 tỷ đồng tại ngân hàng trên của doanh nghiệp.

Về tình hình kinh doanh, quý 3/2023, Đạm Cà Mau thu về 3.010 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán lại tăng 23%, lên mức 2.833 tỷ đồng.

Từ kết quả doanh thu và giá vốn đã kéo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 177,3 tỷ đồng, giảm 82,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính của DCM lại cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, lên mức 200,1 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng từ 7,8 tỷ đồng lên 9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng thêm 31%, đạt 192 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ còn đạt 74,1 tỷ đồng, giảm 89% so với mức 730,8 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 9.036 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn lại tăng thêm 11%, lên mức 7.919 tỷ đồng. Trong đó, mặc dù doanh thu ure giảm tới 31% (tương ứng giảm 2.926 tỷ đồng), còn 6.325 tỷ đồng thì giá vốn ure vẫn tăng 1,2%, lên mức 5.164 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 của Đạm Cà Mau chỉ còn 616 tỷ đồng, giảm 81% so với mức 3.272 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Đạm Cà Mau đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 1.383 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 44% kế hoạch năm về lợi nhuận.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tai-chinh-bien-dong-dam-ca-mau-ghi-nhan-no-tang-hon-44-post28381.html