Tài chính cho chống biến đổi khí hậu và tham vọng đạt mức phát thải về '0' vào năm 2050
Để đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đưa phát thải ròng về '0' vào năm 2050 cần nguồn tài chính khổng lồ và đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành, doanh nghiệp.
Bộ Tài chính vừa tổ chức tọa đàm bàn tròn về vấn đề tài chính đối với biến đổi khí hậu nhằm tìm ra các giải pháp huy động vốn trong bối cảnh ngân sách Việt Nam còn eo hẹp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Việt Nam luôn tích cực và chủ động tham gia với các đối tác quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, coi đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp. Vấn đề tài chính cho chống biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh của Việt Nam, đồng thời, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26).
Hiện nay, các chương trình, dự án cụ thể đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường… khẩn trương xây dựng và rà soát. Trong các đợt làm việc, các Bộ đã đưa ra sơ bộ các chương trình dự án lớn để huy động các nguồn vốn từ Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, ngân hàng, khu vực tư nhân… Việc huy động vốn là hết sức quan trọng trong bối cảnh ngân sách Việt Nam còn eo hẹp. Với những chương trình, dự án phải xác định giao cho khu vực tư nhân thực hiện cần phải đảm bảo hệ thống tài chính an toàn, đảm bảo quản lý nợ công bền vững, góp phần tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực.
Theo bà Caroly Turk - Giám đốc quốc gia World Bank (WB) tại Việt Nam, để thực hiện được những cam kết quan trọng tại COP26, đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành. Cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm đạt mức phát thải về 0 vào năm 2050 cũng như loại bỏ dần điện than vào năm 2040 là mục tiêu hết sức tham vọng. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam còn nhiều mục tiêu lớn và nhiều trụ cột khác trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Theo phương pháp mô hình hóa, phân tích giải pháp mà WB vừa thực hiện, để một Chính phủ vừa đạt mục tiêu tăng trưởng, vừa giảm phát thải ra môi trường mà không bị ảnh hưởng đến nhau đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ USD.
Bà Caroly Turk cho rằng, một số lĩnh vực cần giảm phát thải như giao thông, nông nghiệp thì cần phải có sự tham gia của đầu tư công. Bên cạnh đó, Việt Nam có đường bờ biển rất dài, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, miền Nam thì ảnh hưởng bởi nước biển dâng, xói lở bờ biển, nguồn nước khan hiếm nhiều nơi... Đây là những điểm rất quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế, tăng trưởng. Như vậy, cần huy động một số tiền lớn để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là điều Bộ Tài chính cần phải trao đổi trước tiên với các đối tác để tìm ra giải pháp với sự tham gia của các bên liên quan.
Tuy nhiên, theo phân tích của bà Caroly Turk, điểm thuận lợi của Việt Nam là có thể huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân rất lớn, phải tạo môi trường thông thoáng để khu vực tư nhân có thể đầu tư một cách dễ dàng, ít rủi ro. Điều đó đòi hỏi cần làm rất nhiều việc liên quan đến khu vực tài chính, ngân hàng, thị trường vốn để thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của khu vực tư nhân.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cùng 146 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ. 147 quốc gia này chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu nên cam kết được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngay sau COP26, Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban. Việt Nam đang tiếp tục tích cực để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, dùng một luật để sửa nhiều luật; nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu… để thực hiện các cam kết này.