Tài chính khí hậu: Nguyên tắc, tính công bằng và sự chia sẻ
Đóng góp tài chính cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là một cách để các quốc gia có thể góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu một cách hiệu quả.
Bài viết có tiêu đề tạm dịch là “COP29: Vấn đề tài chính cho các hành động vì khí hậu ở các quốc gia đang phát triển trở nên cấp bách hơn”) trên tờ The Conversation (Australia) có nội dung chính như sau:
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku (Azerbaijan) được mệnh danh là “COP tài chính”. Trọng tâm chính của hội nghị là thiết lập một mục tiêu chung mới cho tài chính khí hậu để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải và thích ứng với tác động của khí hậu.
Trong Hiệp ước Copenhagen năm 2009, 43 quốc gia phát triển, bao gồm Mỹ, đã cam kết cùng nhau huy động 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để “giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển”. Nhưng hiệp ước không nêu rõ mỗi quốc gia nên đóng góp bao nhiêu, tỷ lệ nào sẽ được sử dụng để cắt giảm khí thải hoặc thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Hầu hết các nước châu Âu đã đóng góp đáng kể, nhưng Mỹ, Canada và Australia đã bị chỉ trích vì không đóng đủ, xét theo khía cạnh nền kinh tế lớn. Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ hiện khiến các khoản đóng góp trong tương lai từ Mỹ trở nên không chắc chắn.
Nghiên cứu gần đây cho thấy thời tiết khắc nghiệt đã gây thiệt hại cho các quốc đảo dễ bị tổn thương 141 tỷ USD mỗi năm. Ước tính cho thấy con số này sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Chia sẻ gánh nặng hành động vì khí hậu
Đóng góp tiền cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là một cách để các quốc gia có thể góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu theo hai hạng mục chính: giảm thiểu (ngăn chặn phát thải khí nhà kính trong tương lai để giảm thiểu biến đổi khí hậu hơn nữa); Thích ứng (điều chỉnh và chuẩn bị cho những tác động của biến đổi khí hậu).
Nhưng sự phân bổ công bằng liên quan đến tài chính khí hậu giữa các quốc gia hiện nay như thế nào? Các quốc gia có thể đóng góp bao nhiêu tài chính cho một mục tiêu chung? Chúng ta có đủ phương tiện và thông tin để trả lời những câu hỏi như vậy không? Có ba nguyên tắc chia sẻ thường được đưa ra để trả lời những câu hỏi này: người gây ô nhiễm phải trả tiền, có nghĩa là những người gây ra vấn đề phải giải quyết vấn đề đó; người thụ hưởng phải trả tiền có nghĩa là những người được hưởng lợi từ các hành động gây ra vấn đề phải giải quyết vấn đề đó; khả năng chi trả có nghĩa là những người có phương tiện tài chính lớn nhất phải đóng góp nhiều hơn. Mỗi nguyên tắc phản ánh một cách hiểu khác nhau về sự công bằng.
Cả ba nguyên tắc trên đều liên quan đến một nguyên tắc khác mô tả cách các quốc gia chịu các mức độ trách nhiệm khác nhau đối với biến đổi khí hậu trong quá khứ và có năng lực khác nhau để ứng phó với vấn đề này ở hiện tại.
Nguyên tắc này đã hỗ trợ cho một số hiệp ước khí hậu quốc tế, bao gồm Thỏa thuận Paris năm 2015 và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992. Nguyên tắc người thụ hưởng trả tiền ngày càng được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về cách chi phí có thể giảm đối với các biện pháp thích ứng với khí hậu. Ví dụ, các cộng đồng ven biển có thể được kỳ vọng sẽ chi trả một phần đáng kể cho bức tường biển vì họ sẽ được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng như vậy.
Nguyên tắc đóng góp công bằng
Để áp dụng các nguyên tắc này, thông tin về hoàn cảnh của các quốc gia được sử dụng để tính toán mức phân bổ tài chính khí hậu công bằng. Ví dụ, nguyên tắc khả năng chi trả thường được áp dụng bằng cách sử dụng các số liệu như Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người và Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người, cũng như Chỉ số phát triển con người. Tất cả các số liệu này đều cung cấp chỉ số về năng lực tài chính của một quốc gia để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền thường được áp dụng bằng cách sử dụng thông tin về lượng khí thải nhà kính và thực tiễn sử dụng của các quốc gia. Kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc này có thể thay đổi đáng kể. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền sẽ đặt gánh nặng tài chính đáng kể lên các nước phát thải lớn trong lịch sử, chẳng hạn như Mỹ và Trung Quốc. Ngược lại, các quốc gia giàu có với dân số thấp và thu nhập quốc gia bình quân đầu người cao (như Liechtenstein, Singapore hoặc Qatar) có thể phải chịu gánh nặng tài chính khí hậu cao nhất theo nguyên tắc khả năng chi trả.
Đối với Australia, gánh nặng tài chính khí hậu sẽ không thay đổi đáng kể giữa các nguyên tắc khác nhau. Nhưng đối với New Zealand, gánh nặng này sẽ cao hơn đáng kể theo phương pháp khả năng chi trả so với phương pháp người gây ô nhiễm phải trả tiền. Những phân phối khác nhau này phản ánh quan điểm về những gì cấu thành nên gánh nặng tài chính khí hậu công bằng của một quốc gia.
Tính đầy đủ về mặt đạo đức của các cam kết
Kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc này không thể cung cấp câu trả lời chính xác cho các câu hỏi nêu trên. Chúng cung cấp thông tin tốt hơn cho cuộc tranh luận trong cộng đồng quốc tế về khả năng phân phối công bằng tài chính khí hậu.
Điều này hữu ích trong Thỏa thuận Paris, yêu cầu mỗi quốc gia tự đưa ra đóng góp cho nỗ lực toàn cầu. Nhưng thỏa thuận không đánh giá những đóng góp này theo quan điểm đạo đức, mặc dù cân nhắc về tính công bằng nằm ở trọng tâm của các cuộc thảo luận chia sẻ gánh nặng về tài chính khí hậu.
Chúng ta cần nhấn mạnh rằng cách tiếp cận áp dụng các nguyên tắc đạo đức này không thể đưa ra một câu trả lời duy nhất, vì việc phân phối tài chính khí hậu phụ thuộc vào các cách diễn giải khác nhau về tính công bằng. Nó cũng không nên được coi là cách giải quyết các cuộc tranh luận về gánh nặng tài chính của các quốc gia, vì việc phân bổ tài chính khí hậu công bằng sẽ tiếp tục thay đổi theo thời gian khi hoàn cảnh của các quốc gia thay đổi.
Trước các cuộc thảo luận tại COP29, việc tìm hiểu khả năng phân phối công bằng nguồn tài chính khí hậu quốc tế có thể hữu ích cho việc xem xét tính đầy đủ về mặt đạo đức của các cam kết trong tương lai của các quốc gia và việc huy động nỗ lực thực tế của họ. Điều này có thể hỗ trợ cho cuộc tranh luận sâu sắc và sáng suốt hơn trong cộng đồng quốc tế, khi các quốc gia đang vật lộn tìm cách giải quyết công bằng một vấn đề toàn cầu ngày càng cấp bách và không ngừng thay đổi.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tai-chinh-khi-hau-nguyen-tac-tinh-cong-bang-va-su-chia-se/353670.html