Tài chính xanh cho năng lượng tái tạo trong ngành công nghiệp Việt Nam

Đây là chủ đề hội thảo diễn ra ngày 18-9, trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh tổ chức.

Hội thảo nhằm cập nhật tình hình phát triển năng lượng tái tạo, cơ hội và khó khăn khi đầu tư vào năng lượng tái tạo và những sáng kiến tài chính xanh; chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp tư nhân hiểu thêm về những yêu cầu vay vốn cho những dự án sản xuất xanh; tăng nhu cầu đầu tư năng lượng tái tạo từ khối tư nhân và thúc đẩy thực hiện chính sách cho năng lượng tái tạo, cụ thể cho điện mặt trời áp mái…

 Ảnh minh họa. TTXVN.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Simon James, Cố vấn Chương trình khí hậu và năng lượng, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam cho biết, năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn để đáp ứng được nhu cầu đang ngày một tăng nếu có chính sách thích hợp và được hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, những thách thức cho ngành năng lượng tái tạo nằm ở vấn đề vốn đầu tư. Hiện nay, chi phí đầu tư vẫn còn khá cao đối với một số công nghệ mới, do đó, năng lượng tái tạo vẫn đang khó cạnh tranh với ngành nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó là những khó khăn như thiếu nhân lực có trình độ, công suất nối lưới kém… khiến nhiều dự án lớn bị trì hoãn do khung quy định phức tạp…

Thống kê cho thấy, trước đây nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8 - 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP (gần đây hệ số này đã có xu hướng giảm đi). Nhu cầu điện năng tăng cao liên tục nhiều năm như vậy tạo ra những sức ép lớn về đầu tư cho năng lực phát điện, truyền tải và phân phối của quốc gia. Dự báo từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, từ 6,5% đến 7,5%/năm. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống, nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển năng lượng tái tạo và nguồn tài chính xanh trong khu vực. Sáng kiến tài chính xanh hướng tới đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, bằng cách giải quyết quy trình thẩm định phức tạp và mất thời gian trong các ngân hàng cũng như cải thiện tính hấp dẫn của những dự án do các nhà phát triển dự án trình nộp. Ngoài ra, tài chính xanh cũng hướng tới gia tăng việc phát hành các sản phẩm xanh như trái phiếu xanh, vốn vay lưu động cho các công ty dịch vụ năng lượng ESCOs, cho vay để lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, cho vay để chế tạo xe điện, cho vay để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà...

HẢI YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tai-chinh-xanh-cho-nang-luong-tai-tao-trong-nganh-cong-nghiep-viet-nam-591401