Tái cơ cấu doanh nghiệp: EVN bảo toàn và phát triển vốn nhà nước
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Đảng và Chính phủ, những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tốt.
Sẽ hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019
Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012.
Trong đó, Tập đoàn hoàn thành thoái vốn tại 100% các doanh nghiệp không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của EVN. Qua đó, thu về hơn 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước.
EVN cũng đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại các doanh nghiệp trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam theo hướng chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất điện, tập trung hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh chính và có liên quan của EVN.
Bước sang giai đoạn 2016-2020, EVN cũng đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, hoàn thành việc chuyển Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 01/10/2018. Ngay sau đó, cổ phần của EVNGENCO 3 (mã chứng khoán PGV) đã được giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom.
Tập đoàn cũng thực hiện thoái, giảm vốn tại 2 doanh nghiệp trong tổng số 6 doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn theo Quyết định số 852/QĐ-TTg, thu về hơn 296 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách gần 63 tỷ đồng.
Hiện EVN đang tích cực triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại, với mục tiêu sẽ cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019.
Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết trong Tập đoàn đáp ứng đủ điều kiện đều đã đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán và có vốn hóa thị trường cao hơn nhiều so với giá trị vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Tái sắp xếp theo lộ trình
Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang triển khai tách bạch hoạt động quản lý vận hành và dịch vụ sửa chữa. Đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện sẽ được hoàn thành trong năm 2019, nhằm đẩy nhanh lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Tập đoàn cũng đã hoàn thành đề án chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành công ty TNHH MTV và đã trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Hiện nay Ủy ban đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực quản lý lưới điện phân phối do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện sẽ được cổ phần hóa phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực, Nhà nước nắm giữ trên 50% - 65%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN đã hướng dẫn các tổng công ty điện lực triển khai hạch toán tách bạch chi phí khâu phân phối và khâu bán lẻ điện từ ngày 01/01/2016. Đồng thời, phê duyệt mô hình tổ chức của các Công ty Điện lực/Điện lực cấp quận/huyện trong Tập đoàn theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận quản lý vận hành và kinh doanh điện. Qua đó, từng bước tách bạch về mặt tổ chức, tạo thuận lợi cho việc hạch toán tách bạch chi phí khâu phân phối và khâu bán lẻ điện trong giai đoạn Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới tách bạch về tổ chức giữa hai khâu này trong Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Từ năm 2017 đến nay, các tổng công ty điện lực cũng đã chủ động, từng bước triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
Công tác tái cơ cấu trên đây đều hướng tới việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. EVN cũng đang xây dựng Đề án Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm, dự kiến sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt trong tháng 7/2019; Dự án Hạ tầng CNTT phục vụ Thị trường điện bán buôn hoàn chỉnh cũng đang đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành 2020...
Kiện toàn mô hình quản trị
EVN cũng đã trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên ban hành bộ Quy chế quản trị áp dụng chung trong toàn Tập đoàn; đồng thời, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ thông suốt từ Công ty mẹ EVN tới các doanh nghiệp thành viên, góp phần quan trọng phòng ngừa rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác quản trị trong toàn Tập đoàn.
Tập đoàn cũng ban hành bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thành viên theo phương pháp thẻ điểm cân bằng trong quản trị doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp; kiện toàn mô hình quản trị công ty đại chúng đối với các CTCPđại chúng và chưa đại chúngtrong Tập đoàn theo quy định của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, EVN đã ký kết các hợp đồng ủy quyền Người đại diện quản lý phần vốn của EVN, Tổng công ty thuộc EVN tại các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết. Đâylà một căn cứ pháp lý quan trọng ràng buộc các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Người đại diện; qua đó gắn trách nhiệm pháp lý của Người đại diện, Người quản lý doanh nghiệp với kết quả, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết;
Công ty mẹ - EVN và các doanh nghiệp thành viên đãthực hiện công bố thông tin đâỳđủ, kịp thời theo đúng quy định. Đặc biệt, năm 2018, EVN đã được tổ chức tư vấn quốc tế Fitch Rating đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức xếp hạng BB, ngang bằng với mức tín nhiệm quốc gia. Tập đoàn cũng được đánh giá là một trong các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin.
Trong giai đoạn 2019-2020, EVN sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.