Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững

BHG - Những năm gần đây, với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch quy mô chăn nuôi từ nông hộ sang tập trung theo hướng hàng hóa, tạo nền tảng để tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và thu nhập cho nông dân.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nuôi bò hàng hóa của người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc).

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nuôi bò hàng hóa của người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc).

Với mong muốn cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch và con giống chất lượng, cách đây hơn 5 năm, gia đình ông Phan Hữu Tụ, tổ 3, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) bắt đầu chăn nuôi gà với quy mô lớn. Hiện tại, trang trại gà sạch của gia đình ông có khoảng 10.000 con. Bình quân 4,5 tháng ông xuất bán một lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng 6.000 con và mỗi năm xuất bán khoảng 12.000 con gà giống ra thị trường. Để đàn gà sinh trưởng khỏe mạnh, gia đình ông đã áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi. Cũng nhờ đó, sản phẩm gà thịt và trứng được thương lái thu mua với giá cao. Bên cạnh đó, ông cũng liên kết với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn và các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để ổn định đầu ra. Bình quân mỗi năm thu lãi trên 300 triệu đồng từ chăn nuôi gà, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển chăn nuôi, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã khuyến khích nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển trang trại, gia trại. Tính đến nay, toàn huyện có gần 50 trang trại, gia trại lợn, gà, dê. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định từ 3% trở lên đối với trâu, bò, dê và từ 6% trở lên đối với lợn, gia cầm; huyện Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; có cơ chế hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, chú trọng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm và cải tạo, nâng cao tầm vóc, thể trạng đàn gia súc. Năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất bán đạt 6.125 tấn các loại, giá trị ước đạt trên 484 tỷ đồng.

Năm vừa qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như dịch cúm gia cầm H5N6; bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi tái phát tại 11 huyện, thành phố… đã khiến ngành Chăn nuôi và thú y gặp không ít khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, tổng đàn trâu toàn tỉnh là 156.834 con, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 3,79%. Đàn bò 120.936 con, giảm 1,5%. Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nguyên nhân đàn trâu, bò giảm do dịch bệnh Viêm da nổi cục ảnh hưởng đến sinh sản và làm chết 1.150 con. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao, đàn trâu cày kéo đang được thay thế dần bằng các loại máy móc công nghiệp, diện tích bãi chăn thả ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, số lượng trâu, bò xuất bán tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 4,74%) cũng khiến số lượng tổng đàn giảm đáng kể.

Trong khi tổng đàn trâu, bò có chiều hướng giảm thì đàn lợn và gia cầm lại tăng cả về tổng đàn và sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Đến cuối năm 2021, đàn lợn đạt 582.211 con, so với cùng kỳ tăng 1,87%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 32.938 tấn, tăng 3,4%. Đàn gia cầm tăng 3,4% so với 2020, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.895,2 tấn, tăng 7,1%; sản lượng trứng 49.082,5 nghìn quả, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,2%. Trong năm, toàn tỉnh phát triển mới 26 trang trại, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 165 trang trại. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị ngành Nông nghiệp năm 2021 ước đạt 31,63% (so với kế hoạch năm 2021 tăng 0,13%).

Các địa phương cũng đặc biệt chú trọng công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò để gia tăng tổng đàn, cải tạo chất lượng, tầm vóc đàn gia súc. Năm 2021, toàn tỉnh thực hiện được 4.567 con trâu, bò. Số con phối thành công 3.252 con (đạt tỷ lệ 71,2%); thực hiện bình tuyển được 1.200 con giống tại 2 huyện Yên Minh và Bắc Quang. Nhân rộng hình thức nuôi vỗ béo trâu, bò tại huyện Bắc Quang, đến nay có 12 xã đăng ký với quy mô mở rộng 243 con trâu, bò, diện tích chuồng trại 720 m2. Công tác tái đàn lợn được triển khai tích cực, năm 2021 tái đàn được 81.074 con.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trịnh Văn Bình cho biết: Với mục tiêu phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi năm 2022 đạt 32% trong cơ cấu giá trị ngành Nông nghiệp, đơn vị đã chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh về phát triển chăn nuôi. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi liên kết theo chuỗi, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại. Vận dụng linh hoạt các chính sách hiện có của T.Ư, của tỉnh vào phát triển chăn nuôi, đề xuất xây dựng các chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi. Nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc, gia cầm bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mở rộng chăn nuôi các giống vật nuôi chủ lực, đặc hữu của tỉnh. Khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc. Áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về việc phát triển chăn nuôi hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202205/tai-co-cau-nganh-chan-nuoi-theo-huong-ben-vung-2ff410e/