Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Những bước tiến vững chắc

Tháng 7 - 2015, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt. Sau 4 năm triển khai, đề án đã tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Kịp thời về chính sách và nguồn lực

Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo chuyển biến tích cực.

Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành kịp thời tạo nguồn lực cho các lĩnh vực then chốt của ngành nông nghiệp như: Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ giống lúa lai; khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, tạo nguồn vốn cho nhiều hộ dân mở rộng sản xuất, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, phát triển.

Từ việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, tỉnh đã thu hút đầu tư 26 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản với tổng số vốn cam kết trên 9.097 tỷ đồng, trong đó có một số nhà đầu tư lớn như: Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Hồ Toản.

Cam sành – sản phẩm chủ lực của huyện Hàm Yên.

Cam sành – sản phẩm chủ lực của huyện Hàm Yên.

Toàn tỉnh hiện có 45 doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, nghiệp, thủy sản với tổng số vốn đăng ký trên 451 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động/năm.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu dân sinh. Chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình tổ chức quản lý và trực tiếp tham gia quá trình sản xuất được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chung toàn tỉnh đạt 54,6%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 33,8%.

Cơ cấu sản xuất chuyển dịch mạnh mẽ

Với định hướng chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa và từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phát triển theo chiều sâu là nâng cao chất lượng, hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ, cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp đã phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khai thác tiềm năng của từng tiểu vùng khí hậu để mỗi địa phương có những sản phẩm đặc trưng.

Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản bình quân của tỉnh tăng 4,19%/năm; giá trị tăng thêm ngành nông lâm thủy sản bình quân tăng 4,26%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo xu hướng tăng tỷ trọng giá trị ngành lâm nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp thủy sản. Tỉnh hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực, chuyển biến theo xu hướng sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều mặt hàng chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường như chè, cam, lạc, mía, cá, trâu, bò. Bởi vậy, giá trị hàng hóa nông sản chủ lực chiếm gần 57% tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản.

Trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là 1 trong nhiều dự án lớn đầu tư tại tỉnh.

Để phù hợp và đáp ứng quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn. Theo đó, gần 200 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản được củng cố theo Luật Hợp tác xã, phát triển gần 760 trang trại, tăng gấp đôi so với năm 2015. Nhiều hợp tác xã, trang trại có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra, điều đó đã khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm đạt mục tiêu đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra là giá trị sản xuất nông lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 4%, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 21% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã đề ra và thực hiện 7 nhiệm vụ chính trong những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có tiềm năng như bưởi, lúa chất lượng cao, chuối, hồng không hạt, lợn, ong; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, với những bước tiến vững chắc, ngành Nông nghiệp tỉnh đang phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện tốt một trong ba khâu đột phá “Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-nhung-buoc-tien-vung-chac-124214.html