Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chiều sâu
ĐBP - Cơ cấu lại tổ chức sản xuất, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm thế mạnh, hình thành một số vùng chuyên canh, xây dựng một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp... là những hướng đi nhằm tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu của tỉnh ta, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Cán bộ khuyến nông xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng măng tây trên đất lúa 1 vụ.
Cơ cấu lại sản phẩm
Năm 2019, tỉnh ta triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với mục tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông nghiệp địa phương, trong đó tập trung một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: Lúa gạo, chè, cà phê, nông sản an toàn… Các ngành chuyên môn của tỉnh như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương luôn đồng hành cùng các chủ thể kinh tế, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại… nhằm mở rộng thị trường, tạo thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm. Sau hơn 1 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 26 sản phẩm của 11 chủ thể kinh tế được công nhận đạt chuẩn OCOP; phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có 36 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 19 chuỗi cung ứng nông sản an toàn trên cơ sở liên kết “Sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm” giữa nông dân với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, doanh nghiệp; phần lớn trong số đó là các chuỗi liên kết các sản phẩm OCOP.
Ðến nay huyện Tủa Chùa đã có 2 sản phẩm của 1 chủ thể kinh tế đạt chuẩn OCOP. Các mô hình phát triển nông nghiệp tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang hướng việc chuẩn hóa sản phẩm theo các tiêu chuẩn của chương trình OCOP, điển hình như sản phẩm rau an toàn tại xã Trung Thu.
Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, năm 2019 UBND xã Trung Thu tổ chức thí điểm chuyển đổi một số diện tích lúa một vụ sang trồng các loại rau củ, quả: Su su, chanh leo, khoai tây… UBND xã thành lập Hợp tác xã H’Mông, chuyên cung cấp giống cây trồng và liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau, củ quả trên địa bàn xã. Sau hơn 1 năm triển khai, các mô hình chuyển đổi cho năng suất, sản lượng cao và được bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần sản xuất cây trồng truyền thống. Từ hiệu quả các mô hình điểm, đến nay xã Trung Thu đã thực hiện chuyển đổi 23,8ha nương lúa, ngô sang trồng su su, chanh leo, khoai sọ, bí, măng tây; trong đó khoảng 30% diện tích đã cho thu hoạch. Hợp tác xã H’Mông xây dựng liên kết sản xuất giữa HTX với người dân, trong đó HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm và người dân cam kết sản xuất theo quy trình kỹ thuật chung, đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn của HTX.
Phát triển vùng chuyên canh
Phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, những năm qua tỉnh chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp dựa vào các loại cây thế mạnh từng địa bàn. Ðến nay, một số vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp dần hình thành rõ, khẳng định giá trị như: Lúa chất lượng cao (huyện Ðiện Biên); cà phê (huyện Mường Ảng); ngô, đậu tương (huyện Tuần Giáo); chè san tuyết (huyện Tủa Chùa); cao su (Ðiện Biên, Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo, TP. Ðiện Biên Phủ).
Huyện Ðiện Biên là vựa lúa lớn nhất tỉnh. Những năm gần đây, huyện chú trọng thử nghiệm các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao; đổi mới quy trình sản xuất; ứng dụng khoa học - công nghệ từ khâu sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm. Ðồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu lúa gạo Ðiện Biên trên thị trường.
Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Ðiện Biên tập trung phát triển vùng chuyên canh đối với sản phẩm lúa chất lượng cao. Ðến nay, huyện có 2 dự án cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn 2 xã: Thanh Hưng và Thanh Yên do 2 HTX liên kết sản xuất với nông dân, tổng quy mô dự án 92ha. Sản phẩm gạo Ðiện Biên đã được cấp chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã quét truy xuất nguồn gốc (QR). Hiệu quả là giá trị mỗi héc ta lúa chất lượng cao tăng 8,5 triệu đồng/ha so với năm 2015. Từ vụ mùa năm 2018, huyện Ðiện Biên đã triển khai ứng dụng máy cấy tại khu vực lòng chảo Mường Thanh. Phương pháp này giúp giảm chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và đặc biệt là khắc phục cơ bản tình trạng lúa lẫn do gieo vãi; giúp nông dân tiết kiệm khoảng 10,5 triệu đồng chi phí sản xuất/ha lúa. Năm 2019, huyện triển khai thí điểm sản xuất cánh đồng 1 giống lúa, cùng 1 quy trình sản xuất và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với quy mô 8,5ha cho năng suất và chất lượng sản phẩm tốt, hiện nay mô hình đang được nhân rộng.