Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 2: Nâng cao chất lượng, năng suất lúa

Trong sản xuất nông nghiệp ở Kiên Giang, cây lúa đóng vai trò chủ lực. Nhiều năm qua, tỉnh giữ ổn định sản lượng lúa ở mức hơn 4,5 triệu tấn/năm, năng suất bình quân 6,24 tấn/ha. Khi năng suất lúa đạt 'đỉnh', tư duy của người trồng lúa thay đổi, chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

● Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài 1: Nâng cao giá trị sản xuất từ chuyển đổi đất lúa

LÚA CHẤT LƯỢNG CAO “LÊN NGÔI”

Những ngày cuối tháng 3-2022, nhiều nông dân huyện Tân Hiệp rộn ràng thu hoạch vụ lúa đông xuân 2021-2022. Vụ lúa đông xuân này, hầu hết hộ dân trong huyện trồng các giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, OM18, Jasmine 85. Theo đồng chí Bùi Quốc Duy - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, trên địa bàn huyện nông dân gieo sạ giống lúa chất lượng cao chiếm trên 90% diện tích. Năng suất lúa giữ ổn định từ 7,7-8 tấn/ha đối với vụ đông xuân, từ 5,5-6 tấn/ha đối với vụ hè thu.

Đánh giá về ưu điểm của các giống lúa chất lượng cao, ông Đinh Văn Cảnh - tổ trưởng tổ kinh tế, kỹ thuật xã Tân Hiệp A nói: “Các giống lúa chất lượng cao cho năng suất cao, lúa ít sâu bệnh, dễ tiêu thụ và bán giá cao so lúa thường khoảng 1.000 đồng/kg”. Vụ lúa đông xuân 2021-2022, gia đình ông Cảnh trồng 1,3ha lúa giống Đài Thơm 8, bán giá 6.000 đồng/kg.

Hòn Đất là huyện có diện tích sản xuất lúa nhiều nhất tỉnh với trên 80.000ha. Ðể nâng cao chất lượng lúa gạo, thời gian qua, huyện đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác lúa. Đồng chí Dương Minh Tâm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất cho biết, đến nay, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của huyện chiếm 98%, tăng 24,4% so năm 2015. Hiện Hòn Đất đã quy hoạch các vùng trồng lúa chất lượng cao khu vực phía bắc quốc lộ 80, với diện tích khoảng 26.000ha.

Kiên Giang có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 720.000ha, là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất nước. Trước đây, nhiều nông dân vẫn còn sử dụng các giống lúa có chất lượng thấp để sản xuất như giống IR50404 chiếm 17,1% hoặc giống không đảm bảo chất lượng theo quy định. Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh khuyến cáo, vận động nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị cây lúa, tạo ra sản phẩm lúa gạo có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường và biến đổi khí hậu, tỉnh đã bố trí cơ cấu giống lúa chất lượng cao phù hợp thực tế sản xuất ở từng địa phương. “Sản xuất những giống lúa chất lượng cao gieo sạ thưa hạn chế được sâu bệnh trên lúa, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nên ít gây ô nhiễm môi trường, lúa cho năng suất và chất lượng cao hơn. Đây là cơ sở để phát triển nền nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững, chuyển từ sản xuất số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho nông dân”, đồng chí Lê Hữu Toàn nói.

Từ khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao của tỉnh ngày càng tăng, năm 2020 tỷ lệ trên 80% so với 70% năm 2015. Đến vụ lúa mùa và đông xuân 2021-2022, diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng cao 345.862ha, chiếm 98,5% tổng diện tích gieo trồng, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Một số giống lúa chủ lực được nông dân trong tỉnh gieo trồng nhiều như Đài Thơm 8, OM18, ĐS1, Jasmine 85, OM5451, ST24, ST25, một bụi đỏ.

Cánh đồng sản xuất lúa OM18 tại ấp 5B, xã Tân An (Tân Hiệp). OM 18 là một trong những giống lúa chất lượng cao được người dân gieo sạ phổ biến hiện nay tại huyện Tân Hiệp.

Cánh đồng sản xuất lúa OM18 tại ấp 5B, xã Tân An (Tân Hiệp). OM 18 là một trong những giống lúa chất lượng cao được người dân gieo sạ phổ biến hiện nay tại huyện Tân Hiệp.

Những năm gần đây, Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang nghiên cứu, chọn, tạo, nhân giống thành công nhiều giống lúa mới như GKG1, GKG5, GKG9, GKG35. Các giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, chống chịu mặn và sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.

SẢN XUẤT THEO HƯỚNG AN TOÀN, HỮU CƠ

Hiện xu hướng tiêu dùng lúa gạo của người dân thay đổi theo hướng không chỉ ngon mà cần chất lượng hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe. Do đó, nông dân cũng phải thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều hợp tác xã trong tỉnh vận động các thành viên sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình canh tác lúa an toàn, hạn chế bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng các chất hóa học, chất cấm trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, được ngành chức năng tỉnh và địa phương tập huấn, chuyển giao quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cùng các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, nông dân dần thay đổi tập quán canh tác lúa theo hướng giảm lượng giống, giảm phân bón, sử dụng giống lúa cấp xác nhận để nâng cao năng suất, chất lượng lúa, gạo hàng hóa.

Trước tình hình giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp tăng, nhất là phân bón, một số nông dân chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường. Hướng đi mới này không chỉ là giải “bài toán” để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận mà còn là giải pháp hàng đầu giúp nâng cao giá trị cây lúa và đang được tỉnh khuyến khích chuyển đổi. Nhận thấy điều này, từ khi thành lập năm 2017, Hợp tác xã dịch vụ tôm cua lúa Thuận Phát, ấp 10 Huỳnh, xã Đông Hưng (An Minh) chủ động sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thông qua việc liên kết hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp. Theo ông Lê Thế Sua - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tôm cua lúa Thuận Phát, năm đầu tiên, hợp tác xã đã có 70ha lúa ST5 được cấp chứng nhận ogranic. Năm 2022, hợp tác xã tiếp tục liên kết sản xuất với doanh nghiệp với diện tích lúa hữu cơ lên 100ha, giá bao tiêu gần 10.000 đồng/kg.

Hiện Kiên Giang có 7 cơ sở sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ, với diện tích 1.229ha, sản lượng trên 3.000 tấn/vụ, chủ yếu tập trung trên nền đất nuôi tôm ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất. Theo đồng chí Lê Văn Khanh - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, diện tích lúa của huyện sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được tổ chức quốc tế chứng nhận ngày càng tăng, năm 2018 là 37,9ha, năm 2019 là 270ha, năm 2020 và 2021 gần 1.000ha. Một số nông dân sản xuất lúa hữu cơ cho biết khi thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ, nông dân không bón phân, xịt thuốc hóa học cho lúa mà chuyển sang sử dụng 100% phân hữu cơ vừa giảm giá thành sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch. Sản xuất lúa hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so canh tác lúa thông thường.

Ngoài lợi ích kinh tế trước mắt là nông dân được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, việc canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm còn đem lại nhiều giá trị mang tính lâu dài như giúp bảo vệ sức khỏe cho người trồng lúa, cải tạo đất, duy trì ổn định năng suất lúa, tôm. “Việc sản xuất lúa hữu cơ là xu hướng cần thiết, thời gian tới cần phát triển với quy mô nhiều hơn”, đồng chí Lê Văn Khanh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: TÚ LY

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/tai-co-cau-nong-nghiep-de-phat-trien-ben-vung-bai-2-nang-cao-chat-luong-nang-suat-lua-9001.html