Tái cơ cấu nông nghiệp ở Nậm Pồ
ĐBP - Những năm qua, để tạo khởi sắc cho 'tam nông', huyện Nậm Pồ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả, triển khai các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp... Đặc biệt, huyện chú trọng đưa những giống mới năng suất, sản lượng cao vào sản xuất; cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái; qua đó góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, hình thành các vùng chuyên canh trên địa bàn.
Người dân xã Nậm Tin chuyển đổi đất nương bạc màu sang trồng cam, mang lại nguồn thu nhập cao. Trong ảnh: Ông Sùng Quán Tùng, bản Tàng Do (xã Nậm Tin) chăm sóc cam.
Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Nậm Pồ chú trọng mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản. Cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Cụ thể, thực hiện tái cơ cấu đối với cây lúa, huyện đã lựa chọn thay thế những giống lúa cũ bằng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh và xây dựng vùng sản xuất tập trung. Huyện đã triển khai 4 mô hình giống lúa thuần chất lượng cao HDT 10 trên địa bàn 4 xã (Pa Tần, Nậm Khăn, Chà Tở, Chà Nưa) với quy mô 43,11ha, 288 hộ dân tham gia, năng suất mô hình đạt từ 65 - 67 tạ/ha (năng suất cũ đạt 55,55 tạ/ha); đối với diện tích lúa mùa triển khai 7 mô hình tại 7 xã với tổng diện tích là 61,224ha có 356 hộ dân tham gia; năng suất bình quân tăng so với diện tích gieo trồng cũ (ước đạt 69,65 tạ/ha); góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 22.442,4 tấn. Riêng đối với cây ngô diện tích đã trồng 1.865,69ha, năng suất đạt 17,13 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 3.195,21 tấn. Đối với cây công nghiệp dài ngày, huyện dự kiến trồng 15.800ha cây mắc ca từ năm 2022. UBND huyện đã tổ chức, làm việc với nhà đầu tư, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc phát triển cây mắc ca; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thành lập hợp tác xã trồng cây mắc ca tại 5 xã (Nà Khoa, Nậm Nhừ, Na Cô Sa...); thành lập và ra mắt thí điểm Hợp tác xã Mắc ca xã Si Pa Phìn.
Huyện Nậm Pồ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã hướng dẫn nông dân tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nhân lực để phát triển chăn nuôi; tập trung nâng cao chất lượng giống thông qua chọn lọc giống tốt và đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi vật nuôi giữa các vùng trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi... Đồng thời, huyện sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư hỗ trợ người dân về con giống, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả để người dân học hỏi làm theo. Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện Nâm Pồ đạt trên 73.000 con; gia cầm trên 200.000 con; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc luôn ổn định bình quân trên 4%/năm, gia cầm đạt gần 7%/năm; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc đạt 208ha; mỗi xã đã có từ 10 - 20 điểm chăn nuôi tập trung theo quy hoạch. Việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, đóng góp trên 40% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện.
Bà Phạm Thị Thu Yến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025”, huyện đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến người dân. Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của huyện. Cùng với đó, huyện chú trọng vận động nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế đang có tại các địa phương; tiếp tục phát triển các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, gắn với thực hiện Chương trình OCOP. Đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ; tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; từ đó, từng bước góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.