Tái cơ cấu nông nghiệp ở xã miền núi Ẳng Nưa

Thời gian qua, huyện Mường Ảng luôn quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thực phẩm địa phương. Nhờ đó, đến nay một số sản phẩm nông sản trên địa bàn khẳng định thương hiệu, vị thế trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, người dân bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa có thể trồng các loại rau trái vụ.

Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, người dân bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa có thể trồng các loại rau trái vụ.

Những ngày đầu tháng 7 dưới cái nắng oi ả, chúng tôi như được hạ nhiệt khi bước vào bãi cà phê sai trĩu quả và vườn rau xanh mát mắt của gia đình anh Phùng Tiến Thiện, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa. Trò chuyện với anh Thiện, chúng tôi được biết cách đây vài năm khi cà phê không được giá, từ diện tích 3,5ha cà phê, gia đình anh Thiện đã chuyển đổi khoảng 5.000m2 sang trồng bưởi da xanh, 1,5ha trồng rau (bắp cải, bí xanh, ớt, dưa chuột...) chỉ để lại hơn 1ha cà phê. Từ khi chuyển đổi đa dạng cây trồng, thu nhập của gia đình anh Thiện khởi sắc hơn trước.

Anh Thiện chia sẻ: “Làm rau tuy vất vả nhưng thời gian ngắn nên thu hồi quay vòng vốn nhanh, trung bình mỗi lứa rau chỉ 3 tháng là cho thu hoạch. Trồng cây công nghiệp hay cây ăn quả phải 1 năm mới được thu, đấy là chưa kể thời gian trước khi thu hoạch phải mất từ 3 - 4 năm chăm sóc. Nếu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh rau sẽ giảm được thời gian, chi phí nhân công”.

Hộ anh Phùng Tiến Thiện, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa đầu tư hệ thống tưới nước tự động, giàn cột bê tông khung sắt với diện tích gần 1ha phục vụ trồng rau.

Hộ anh Phùng Tiến Thiện, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa đầu tư hệ thống tưới nước tự động, giàn cột bê tông khung sắt với diện tích gần 1ha phục vụ trồng rau.

Hiện nay, gia đình anh Thiện triển khai hệ thống tưới nước tự động, thay giàn tre bằng giàn cột bê tông khung sắt. Đầu tư ban đầu tuy lớn nhưng việc canh tác sẽ thuận tiện hơn, luân canh tăng vụ tốt hơn. Trên giàn cho bí hoặc dưa chuột leo dây, bên dưới gia đình vẫn tận dụng trồng các loại rau theo mùa như: Bắp cải, cải xanh, ớt... Không chỉ giảm được công chăm sóc mà lại tăng thu nhập cho gia đình. Trung bình mỗi năm trồng rau mang lại nguồn thu cho gia đình từ 50 - 100 triệu đồng.

Không chỉ đi đầu trong huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân xã Ẳng Nưa còn chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2019, thông qua kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Ảng, được sự tài trợ của tổ chức Care, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, Nhóm cà phê Chị Em, xã Ẳng Nưa ra đời với 4 thành viên. Nhóm được tập huấn về kỹ thuật trồng, chế biến cà phê, hỗ trợ làm nhà màng phơi cà phê, máy chế biến gồm: Máy xát cà phê, máy rang, máy nghiền và máy đóng túi sản phẩm. Từ đó Nhóm cà phê Chị Em đưa ra thị trường những dòng sản phẩm cà phê Arabica mang đậm hương vị của núi rừng Mường Ảng.

Nhóm cà phê Chị Em, xã Ẳng Nưa được hỗ trợ máy móc chế biến cà phê.

Nhóm cà phê Chị Em, xã Ẳng Nưa được hỗ trợ máy móc chế biến cà phê.

Chị Tòng Thị Nọi, một trong 4 thành viên của nhóm chia sẻ: “Những năm trước kia khi giá cà phê xuống thấp, việc bán cà phê quả tươi không đảm bảo thu nhập, nhiều hộ dân đã từ bỏ cây cà phê, chuyển sang cây trồng khác. Với mong muốn tạo ra quy trình khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu chế biến, tạo ra sản phẩm cà phê thơm ngon, nguyên chất, góp phần nâng cao giá trị cà phê Mường Ảng, chúng tôi quyết tâm thành lập Nhóm cà phê Chị Em”.

Ngoài sản xuất, chế biến cà phê của các hộ trong nhóm, Nhóm cà phê Chị Em còn thu mua từ các nhóm vệ tinh gồm hơn 20 hộ gia đình trong xã. Hiện nay, Nhóm cà phê Chị Em đã xây dựng được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường cà phê trong nước với 3 dòng sản phẩm cà phê bột chính là: Cà phê chế biến tự nhiên, chế biến mật ong, chế biến ướt. Đặc biệt sản phẩm đã có mặt tại một số thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng... Trung bình mỗi năm Nhóm cà phê Chị Em cung cấp ra thị trường 5 - 6 tấn cà phê bột. Với giá bán dao động từ 220 nghìn - 300 nghìn đồng/kg cà phê bột đã mang lại thu nhập cho các hội viên trung bình từ 50 - 200 triệu đồng/năm.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Ảng hướng dẫn Nhóm cà phê Chị Em quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê trên các nền tảng thương mại điện tử.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Ảng hướng dẫn Nhóm cà phê Chị Em quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê trên các nền tảng thương mại điện tử.

Nói về công tác tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, anh Lù Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cho biết: “Để thực hiện hiệu quả, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Xây dựng một số mô hình điểm về áp dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó người dân từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động”.

Xác định cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của xã là cây cà phê, nên ngoài việc cải tạo diện tích cà phê già cỗi, xã Ẳng Nưa đã vận động người dân trồng mới 27ha cà phê trong năm 2024. Thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như: Xoài, nhãn, bưởi da xanh... Hiện nay toàn xã có 829ha cà phê, 53ha cây ăn quả. UBND xã cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn xã, hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tuấn Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/216818/tai-co-cau-nong-nghiep-o-xa-mien-nui-ang-nua