Tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở đồng bộ quy hoạch

Theo UBND tỉnh Bến Tre, việc tổ chức sản xuất, cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ bắt đầu phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự liên kết của chuỗi giá trị trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Chiều 7/12, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án cơ cấu lại nông nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre khóa X về xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020; triển khai kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, thực hiện đề án, diện tích lúa đã giảm phù hợp với chủ trương và định hướng của tỉnh. Việc tổ chức sản xuất, cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ bắt đầu phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự liên kết của chuỗi giá trị. Đây là yếu tố nền tảng và quyết định cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Thời gian qua, nông dân tỉnh Bến Tre cũng từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Các hộ dân đã cân nhắc thận trọng trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, quản lý môi trường, thực hiện các biện pháp phòng, ngừa hạn mặn và phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh chưa thật sự ổn định. Một số nơi còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy trình. Điều này dẫn đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và thu hoạch còn hạn chế; không có khối lượng sản phẩm lớn và đồng chất để cung cấp theo yêu cầu của các doanh nghiệp và thị trường.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế ( GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4-4,7%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha diện tích trồng trọt đạt 180 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 450 triệu đồng/ha…
Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao.
Giai đoạn 2021-2025 và đến định hướng đến năm 2030, Bến Tre đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại. Tỉnh tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
Bến Tre đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng rút ngắn chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả phân phối lợi ích giữa các tác nhân; cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết là 30%.
Tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi.

Đồng thời, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; cải tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn mặn, phục vụ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng vùng sinh thái.
Tỉnh Bến Tre đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu nông sản, phấn đấu đến năm 2025 tất cả 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc thù của địa phương khi đưa ra thị trường phải được truy xuất nguồn gốc hoặc chứng nhận chỉ dẫn địa lý….
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, năm 2020, tỉnh Bến Tre chủ trương giảm dần diện tích lúa, mía để chuyển sang trồng dừa và các loại khác có hiệu quả như cây ăn trái, rau màu. Tổng diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh ước đạt 31.171 ha, sản lượng 135.314 tấn.

Diện tích lúa giảm 24.330 ha so với năm 2017, sản lượng giảm 91.959 tấn. Diện tích, sản lượng lúa giảm do nông dân chuyển đất lúa sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, đồng thời thực hiện chủ trương xuống giống 2 vụ/năm (một số nơi không xuống giống vụ Đông Xuân để tránh bị thiệt hại do hạn mặn).
Đến nay, diện tích dừa toàn tỉnh đạt 73.000 ha; sản lượng ước đạt 610.000 tấn. So với năm 2017, diện tích dừa tăng lên 1.540 ha, sản lượng tăng 40.275 tấn. Riêng diện tích dừa uống nước hiện nay khoảng 10.880 ha, trong đó dừa xiêm khoảng 80.000 ha. Diện tích dừa sản xuất theo hướng hữu cơ tăng nhanh với hơn 8.691 ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 109 tổ hợp tác, 48 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực./.

Công Trí/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tai-co-cau-nong-nghiep-tren-co-so-dong-bo-quy-hoach/180091.html