Tái cơ cấu xuất khẩu để thúc đẩy kim ngạch tăng trưởng
Cùng với lịch nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài kèm theo dịch viêm đường hô hấp cấp (Virus Corona) đang có chiều hướng lây lan và diễn biến phức tạp đã khiến kim ngạch xuất khẩu ngay trong tháng đầu năm Canh Tý chỉ đạt 19 tỷ USD, giảm 15,8% so với tháng 12 năm 2019 và giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu giảm sút
Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong số kim ngạch xuất khẩu tháng đầu tiên của năm mới, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 6,3 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,68 tỷ USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 1, nhóm hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 1,85 tỷ USD, giảm 21,9% so với tháng 12/2019 và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 9,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm này, ngoại trừ sắn và các sản phẩm từ sắn, các mặt hàng khác đều có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt gần 0,3 tỷ USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu than, quặng và khoáng sản tăng mạnh nhờ lượng xuất khẩu tăng mạnh.
Theo ông Trần Thanh Hải, nguyên nhân chủ yếu là do Bộ Công Thương đã xem xét báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xuất khẩu than năm 2020 sớm hơn các năm trước nên các doanh nghiệp trong ngành đã có cơ sở chủ động, tổ chức thực hiện xúc tiến xuất khẩu than ngay từ đầu năm với các đối tác truyền thống, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 15,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 12/2019 và giảm 13,8% so với cùng kỳ, chiếm 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương so với cùng kỳ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dây điện và dây cáp điện; gỗ và sản phẩm gỗ…
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1. Tiếp đó là thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2020 đạt 19,1 tỷ USD, giảm 14,4% so với tháng 12/2019; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 17,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,4 tỷ USD, giảm 11,3%.
Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu giảm tập trung vào mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải; chất dẻo; sắt thép…
Theo đó, trong tháng 1 cả nước đã nhập siêu 100 triệu USD, bằng 0,5% kim ngạch xuất khẩu; trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,3 tỷ USD.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, tháng 1 có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Không những thế, giá xuất khẩu và giá nhập khẩu trong tháng này tuy không biến động mạnh so với tháng trước nhưng hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trừ một số mặt hàng như dầu thô, xăng dầu do giá dầu thế giới tăng khi xảy ra những bất ổn ở khu vực Trung Đông cũng như việc xung đột Mỹ-Trung bước đầu hạ nhiệt.
Hơn nữa, mức giảm nhập khẩu tháng 1 thấp hơn mức giảm của xuất khẩu và cán cân thương mại tháng 1 quay trở lại nhập siêu, tuy nhiên mức nhập siêu không lớn.
Diễn biến này phù hợp với xu hướng các doanh nghiệp đã hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu trước Tết và sau Tết cần một thời gian để các doanh nghiệp quay trở lại đạt năng suất cao và ổn định lực lượng lao động sau tết.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Theo các chuyên gia thương mại, Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và có đường biên giới đất liền kéo dài với nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ, là nơi giao nhận, thông thương một số lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Vì thế, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh gây ra để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do việc chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.
Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế, các chuyên gia dự báo lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng... nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Dịch bệnh do virus Corona ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba.
Chẳng hạn như Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu mặt hàng dệt may sang các nước nhưng nguyên liệu dệt may lại nhập nhiều từ Trung Quốc. Vì vậy, dịch bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các mặt từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và kể cả thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp...
Không những thế, một số tác động có thể chỉ ra như kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập); giao thương qua đường bộ giữa hai nước giảm sút; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm.
Về nhập khẩu vào Việt Nam, một số khó khăn có thể xảy ra khi nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường thứ ba. Về cân đối cung cầu, có thể xảy ra tình trạng thiếu/thừa một số loại hàng hóa nhất định.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BCT ngày 31 tháng 1 năm 2020 về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh; trong đó có giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện ngay các biện pháp ứng phó trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường có biến động (khách quan hay chủ quan) đều tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung và khó kiểm soát chất lượng.
Mặt khác, khi phát sinh biến động bất lợi từ thị trường Trung Quốc là khó có thể chuyển hướng ngay thị trường thay thế vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật của các nước thứ ba.
Ngay ngày 5/2 vừa qua, để kịp thời giải quyết các khó khăn trong khâu giao nhận hàng quan cửa khẩu biên giới, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 808/VPCP – KTTH cho phép việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm phòng chống dịch bệnh mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm và trái cây sang thị trường Trung Quốc để cập nhật thông tin, phối hợp triển khai một số công việc về xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới đất liền. Đồng thời có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo Bộ Công Thương đối với những mặt hàng nông sản cần có giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường cũng như liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa để không quá phụ thuộc vào một thị trường.
Đặc biệt, để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương, các siêu thị, hệ thống phân phối trên địa bàn toàn quốc kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận trong điều kiện dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.