Tái đàn lợn an toàn, bền vững

Mặc dù đã cơ bản công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nhưng trên thị trường hai tỉnh Hà Nam và Nghệ An, giá thịt lợn liên tục tăng cao do thiếu hụt nguồn cung.

Kiểm tra đàn lợn thịt và lợn giống (ngoại) tại Công ty Masan Meat Life (Quỳ Hợp, Nghệ An).

Kiểm tra đàn lợn thịt và lợn giống (ngoại) tại Công ty Masan Meat Life (Quỳ Hợp, Nghệ An).

Mặc dù đã cơ bản công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nhưng trên thị trường hai tỉnh Hà Nam và Nghệ An, giá thịt lợn liên tục tăng cao do thiếu hụt nguồn cung.

Do vậy, hai địa phương này cần có các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy việc tái đàn lợn an toàn, bền vững.

Giá thịt lợn tăng nhưng khó tái đàn

Năm 2019, cũng như cả nước, ngành chăn nuôi lợn hai tỉnh Hà Nam và Nghệ An chịu nhiều thiệt hại do DTLCP bùng phát. Tính đến hết quý I năm 2020, hai tỉnh tiêu hủy hơn 128 nghìn con lợn. Hiện, tổng đàn lợn của hai tỉnh đều giảm so đầu năm 2019; trong đó, Hà Nam giảm gần 30%, Nghệ An giảm 3,25%.

Ðiều đáng nói, do DTLCP, nhiều huyện, thị ở hai tỉnh đã phải tiêu hủy phần lớn đàn lợn nái bố mẹ, dẫn đến khan hiếm con giống để tái đàn. Theo báo cáo, hai tỉnh tiêu hủy khoảng gần 60 nghìn con lợn nái, trong đó, Hà Nam tiêu hủy gần 40 nghìn con, chiếm gần 60% đàn lợn nái. Nhiều trại lợn giống ở Hà Nam bị thiệt hại nặng như trại lợn giống Dabaco đặt tại Hà Nam có 3.200 con lợn nái, thì nay chỉ còn khoảng 800 con. Ðàn lợn nái Nghệ An cũng bị giảm gần 14%, chủ yếu tập trung ở nông hộ.

Do khan hiếm nguồn cung, từ đầu năm 2020 đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng cao đạt mức kỷ lục, nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn, nhưng giá con giống cao, lại khan hiếm nguồn mua.

Nuôi lợn hơn hai chục năm nay với quy mô hàng trăm con lợn/lứa, ông Phạm Ngọc Tân, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam) cho biết: Chưa bao giờ giá lợn thịt và lợn giống lại cao và khan hiếm như thời điểm này. Ðầu năm 2020, gia đình tôi dự kiến tái đàn nhưng do giá con giống quá cao và tìm mua ở nhiều nơi không được. Hiện gia đình mới mua được hơn 10 con. Ðó là chưa kể gia đình cũng đang cần một số con lợn nái hậu bị để cung cấp lợn con phục vụ nuôi tại chỗ. Theo ông Dương Ðức Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Văn Xá (Kim Bảng), thời điểm này, người chăn nuôi lợn có lãi cao, nhưng rất khó mua lợn giống để tái đàn. Chúng tôi vẫn khuyến khích người nuôi mua lợn ở những nơi có địa chỉ rõ ràng, hoặc ở những công ty có uy tín; không mua lợn giống trôi nổi, nguy cơ tái phát dịch bệnh cao. Do vậy, rất nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn đã đặt mua tại cơ sở cung cấp giống có uy tín nhưng chờ hai, ba tháng vẫn không có lợn giống để mua.

Theo tính toán của người nuôi, với mức giá lợn giống cộng công, thức ăn… thì 1 kg lợn hơi phải mất chi phí 50 - 60 nghìn đồng.

Trước tình hình đó cùng tâm lý e ngại, DTLCP có thể bùng phát trở lại, không ít hộ từng nuôi từ vài trăm đến hàng nghìn con lợn đã ngậm ngùi để trống chuồng trại, tìm việc làm khác. Một số hộ chuyển sang nuôi gà, vịt để lấy ngắn nuôi dài. Một số hộ nhiều vốn đã chuyển sang "lướt sóng" lợn, tức là mua lợn của các hộ đã xuất chuồng, về nuôi thêm khoảng vài ba tuần, bán kiếm lời. Ðến nay, nhiều hộ chăn nuôi gia trại, nông trại lớn ở Hà Nam và Nghệ An đã bắt đầu tái đàn, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 30 - 40% công suất. Bên cạnh đó, nhiều gia trại nuôi lợn ở Nghệ An bị "cụt" vốn do DTLCP nên cũng chưa thật sự muốn tái đàn.

Ðể chăn nuôi hiệu quả và bền vững

Những thiệt hại khá lớn đối với đàn lợn bởi DTLCP là bài học để các cấp, ngành liên quan cùng người chăn nuôi nhỏ lẻ có cái nhìn đầy đủ hơn về phát triển chăn nuôi lợn bảo đảm hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở đó, Hà Nam và Nghệ An đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi lợn để sớm khôi phục đàn lợn và phát triển theo hướng an toàn và bền vững. Ðó là tập trung tuyên truyền để người dân đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là DTLCP; đồng thời, tổ chức tái đàn và tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học. Về con giống, các tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các cơ sở sản xuất giống tích cực tăng đàn; cân đối cung ứng giống ra thị trường để người chăn nuôi có thể mua được con giống bảo đảm, an toàn dịch bệnh với giá cả hợp lý. Khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống ở những cơ sở uy tín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Mua lợn giống từ tỉnh khác về phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch liên quan cũng như thực hiện nuôi cách ly, theo dõi đúng quy định. Về chuồng trại, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nâng cấp chuồng trại cùng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Ðối với những hộ không thể cải thiện chuồng nuôi bảo đảm an toàn sinh học thì khuyến khích chuyển sang nuôi con vật khác. Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục có chính sách ưu tiên vốn tín dụng để phát triển đàn lợn.

Làm việc với hai tỉnh Nghệ An và Hà Nam chung quanh việc tập trung tái đàn lợn thời kỳ hậu DTLCP, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, các tỉnh tiếp tục ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp, chủ trang trại phát triển đàn lợn thịt giống ngoại gắn với chế biến để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả, bền vững và thật sự trở thành lĩnh vực mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp. Ðặc biệt khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao, theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Cần nói thêm, thời gian qua, hai tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nên đã giảm dần số hộ nuôi lợn nhỏ lẻ trong các khu dân cư. Trong đó, Hà Nam tập trung xây dựng mô hình điểm tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục với quy mô tổng đàn 100.000 con lợn thịt/năm, bảo đảm đủ tiêu chuẩn cung cấp cho nhà máy giết mổ chế biến thịt của Tập đoàn Masan Hà Nam và các doanh nghiệp thu mua chế biến khác. Hiện, Nghệ An có 438 trang trại lợn, trong đó gần 100 trang trại có quy mô lớn và vừa do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp nuôi vệ tinh đầu tư. Ðã hình thành một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn như Tập đoàn Masan khoảng 100 nghìn con; Công ty C.P Việt Nam và Công ty Tiến Thành đều nuôi hơn 20 nghìn con… Các doanh nghiệp này đang phát triển tốt đàn lợn giống ngoại.

Tại huyện Quỳ Hợp, Tập đoàn Masan đầu tư hai trại nuôi lợn với quy mô 230 nghìn con lợn thịt/năm; gây dựng được gần 12 nghìn lợn nái, lợn nọc cụ kỵ, ông bà, giống ngoại (Danbred, Yorkshire, Duroc…) nhập khẩu từ Mỹ, Ðan Mạch. Công ty Mavin đang đầu tư xây dựng trại lợn nái quy mô 10.000 nái cụ kỵ, ông bà tại huyện Anh Sơn... Các doanh nghiệp này đều áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ chăn nuôi của thế giới vào sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam, theo chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, chăn nuôi, chế biến, phân phối, bán lẻ; xây dựng mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận GlobalGAP. Riêng Tập đoàn Masan còn đầu tư tại tỉnh Hà Nam Nhà máy chế biến thịt mát hiện đại của EU với công suất chế biến lên đến 1,4 triệu con lợn/năm. Nhà máy này vận hành theo tiêu chuẩn BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm). Ðây là chứng nhận quốc tế được xem là tấm vé thông hành cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm…

Kiểm tra trại nuôi lợn của Công ty Masan Meat Life tại Quỳ Hợp (Nghệ An), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục phát triển con giống, tổ chức nhiều mô hình nuôi vệ tinh trên địa bàn để tăng nhanh số lượng lợn xuất chuồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng nuôi, bảo đảm nuôi an toàn sinh học, ngăn ngừa dịch bệnh và bảo đảm môi trường bền vững. Có giải pháp hạ giá thành sản phẩm, góp phần bình ổn giá trên thị trường...

Bài, ảnh: ĐÀO PHƯƠNG và THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44850702-tai-dan-lon-an-toan-ben-vung.html