Tái đàn lợn còn vướng nhiều khó khăn

Lâm Đồng đang hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tăng đàn, tái đàn đang gặp trở ngại lớn về giá con giống.

Đó là nhận định của ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng trong nỗ lực địa phương thực hiện các giải pháp tái đàn lợn trở lại sau khi Lâm Đồng công bố hết dịch tả lợn châu Phi vào ngày 5/5.

Việc tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về giá con giống

Việc tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về giá con giống

Giá con giống tăng vọt

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thủy sản Lâm Đồng, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 21/6/2019 đến ngày 22/3/2020 làm 70.019 con lợn/2.110 hộ/457 thôn/99 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố mắc bệnh. Đến cuối năm 2019, bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản được kiểm soát. Từ ngày 23/3 tới nay, trên địa bàn toàn tỉnh không phát sinh lợn mắc bệnh, chết do bệnh DTLCP.

Tính đến cuối tháng 4/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là khoảng 351.564 con, bằng gần 98% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi vào tháng 12/2018. Trong đó, đàn lợn nái gần 30.000 con, lợn hậu bị khoảng gần 13.000 con và đàn lợn thịt là 216.370 con.

Như vậy, về điều kiện tái đàn trên địa bàn tỉnh cơ bản là đảm bảo. Tuy nhiên, nếu xem xét số đàn lợn nái trên tổng đàn chỉ vào khoảng gần 30.000 con thì khả năng cung ứng nguồn giống còn rất hạn chế. Theo ghi nhận trên địa bàn huyện Đức Trọng và các huyện lân cận, người dân hiện đang có nhu cầu lớn mua lợn giống để tái đàn, tăng đàn nhưng nguồn cung khá khan hiếm. Thậm chí, nhiều người dân không thể mua con giống vì các đầu mối cung ứng nhỏ lẻ địa phương đều thông báo hết hàng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một trại lợn với quy mô 1.000 con ở xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) cho biết, trang trại của gia đình ông trước khi chưa xảy ra bệnh DTLCP, luôn duy trì khoảng 100 con lợn nái và 900 con lợn thịt. Mỗi năm, đàn lợn nái đẻ 2 lứa từ 500-600 con giống, đảm bảo tốt cho việc tái đàn của trang trại. Tới khi DTLCP bùng phát ở Đức Trọng vào giữa năm 2019, đàn lợn nhà ông chết 100% nên hiện tại, trang trại của ông Hùng buộc phải mua giống mới bên ngoài để gầy lại đàn lợn nái.

“Trước tết, lợn giống 10 kg rơi vào khoảng 1,9 triệu đồng/con. Bây giờ lợn giống 6-7 kg là 3,2 triệu đồng/con, 20 kg là 4,3 triệu đồng/con. Với giá giống quá cao như trên, thì thịt lợn hơi bán giá 70.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã lỗ. Trong khi nguồn con giống khan hiếm, phần nữa giá cao vừa không đảm bảo dịch bệnh nên tâm lý chung của người chăn nuôi như tôi là việc tái đàn, tăng đàn còn e dè, cần cân nhắc kỹ lưỡng” - ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, để đảm bảo việc tái đàn theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh, 2 tháng qua ông đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi lợn C.P Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng để có nguồn giống sạch. “Trước mắt, tôi mua 100 con giống của C.P để gầy lại đàn nái. Đổi lại mình phải xây khu cách ly xử lý dịch bệnh, một số quy chuẩn để đảm bảo việc tái đàn an toàn theo hướng dẫn của họ” - ông Hùng cho hay.

Là một trong những xã có mật độ chăn nuôi lợn tập trung quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Thanh Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) xác nhận tình hình tái đàn, tăng đàn tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Trước đó, do DTLCP, chỉ tính đàn lợn nái trong dân đã bị tiêu hủy khoảng 33.000 con, khiến khả năng tái đàn lợn trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau thời điểm dịch gần như giậm chân tại chỗ.

“Việc tái đàn ngoài con giống giá thành cao lại phụ thuộc vào các công ty, bà con còn đang gặp khó khăn về nguồn vốn sau thời gian bị thiệt hại về DTLCP. Theo thống kê sơ bộ, mặc dù khó khăn nhưng hiện nay nhiều hộ đã chủ động tái đàn với tổng đàn vào khoảng 15.000 con trên địa bàn xã” - ông Vũ nhận định.

Trong khi đó, đối với hệ thống trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học như các trang trại của Công ty C.P, Japfa, CJ Agari..., việc cung ứng nguồn giống khép kín, việc tăng đàn, tái đàn theo ghi nhận không gặp trở ngại lớn.

Áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn sinh học

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản nhấn mạnh người dân cần từng bước tái đàn theo hướng an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh với số lượng tái đàn, tăng đàn khoảng 10% trên quy mô tổng số lợn nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi 30 ngày, các chủ cơ sở thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi mới tái đàn hết công suất.

Trước đó, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã có nhiều văn bản hướng dẫn cũng như khuyến cáo người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đúng quy trình của Bộ NN&PTNT. Đó là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Đồng thời, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, kiểm soát môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh thông thường. Vệ sinh sát trùng định kỳ chuồng trại và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ trong chăn nuôi...

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao.

Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, để người chăn nuôi nhanh chóng khôi phục sản xuất, thời gian qua, Lâm Đồng kịp thời thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ do tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh DTLCP. Cụ thể, năm 2019, các hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 134 tỷ đồng. Còn từ đầu năm 2020 chưa thực hiện hỗ trợ thiệt hại do chưa có chủ trương của Chính phủ về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống DTLCP. Hiện Sở NN&PTNT đã có kiến nghị, đề xuất Bộ NN&PTNT sớm ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng cho giai đoạn sau ngày 1/1/2020.

C.THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202005/tai-dan-lon-con-vuong-nhieu-kho-khan-3005357/