Tái đàn lợn sau dịch bệnh: Đâu là giải pháp an toàn?
Tuy đã xuất hiện ở nước ta 8 tháng nay nhưng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Do đó, thay vì ngồi trông chờ dịch đi qua và vaccine phòng bệnh, người chăn nuôi nên chủ động kiểm soát theo hướng an toàn sinh học nhằm ổn định thị trường.
Tái đàn có kiểm soát, đảm bảo an toàn sinh học
Sau gần 2 năm lận đận với bão giá, người chăn nuôi lợn chưa kịp phục hồi thì bị DTLCP tấn công. Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 63/63 tỉnh thành, với tổng trọng lượng là 3.5.202 tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước). Đến nay, vẫn còn 4.640 xã thuộc 600 huyện có dịch chưa qua 30 ngày. Dự đoán, dịp cuối năm nước ta sẽ thiếu khoảng 500.000 tấn thịt lợn.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, thời điểm này để đảm bảo nguồn cung thịt lợn, chúng ta cần giữ lại được đàn lợn khỏe mạnh, đồng thời ngành chăn nuôi cũng thực hiện các biện pháp tăng tỷ trọng các vật nuôi khác nhằm đảm bảo bù đắp nguồn cung thực phẩm thịt lợn bị thiếu.
“Tuy nhiên, do thói quen của người tiêu dùng Việt Nam không thể bỏ ngay thịt lợn sang sử dụng các loại thực phẩm khác. Đặc biệt là dịp Tết, nhu cầu sử dụng thịt lợn sẽ rất cao. Do đó, cần phải tái đàn lợn để bù đắp lượng thịt thiếu hụt. Tuy nhiên, việc tái đàn cần phải có kiểm soát và theo hướng an toàn sinh học” – ông Dương nói.
HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai) là một minh chứng về hiệu quả của việc chăn nuôi an toàn sinh học đối với phòng chống DTLCP. Giám đốc HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết: “DTLCP lây trực tiếp từ vật thể có mầm bệnh đến cá thể lợn.
Theo đó, khi chưa có vaccine, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là an toàn sinh học. Trang trại của HTX nằm trong vùng dịch nhưng nhờ thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học nên đến thời điểm này, đàn lợn vẫn được an toàn” – ông Long cho hay.
Hay như tại tỉnh Nam Định, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi DTLCP với số lợn tiêu hủy do dịch là 253.000 con (chiếm 32% tổng đàn). Sau 8 tháng đối phó với dịch, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với DTLCP. Do đó, vừa qua, địa phương đã triển khai 7 mô hình chăn nuôi lợn an toàn điểm tại 7 huyện với quy mô từ 100 – 300 con.
Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định Mai Văn Quang cho biết: Từ đầu tháng 8 trở lại đây, dịch có chiều hướng tạm lắng, nhiều trang trại bắt đầu tái đàn lại. Để hỗ trợ người chăn nuôi, Nhà nước nên sớm có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với trang trại chăn nuôi lợn. Song song với đó, có giải pháp hỗ trợ tích cực cho những trang trại lợn hậu bị trong tương lai khi dịch bệnh đi qua.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, thời điểm này các địa phương nên đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Đây là giải pháp cấp thiết để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh. Bởi, vùng an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi, được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, được rút ngắn trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn...
Theo ông Dương, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn có vai trò quyết định đối với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước. "Khi Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch, chuyển sang nhập khẩu đường chính ngạch, tiêu chí đầu tiên họ yêu cầu đó là lợn phải được sản xuất trong vùng an toàn dịch bệnh” – ông Dương dẫn chứng.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi chủ yếu phát triển nhỏ lẻ, chi phí hoàn thiện các thủ tục, xét nghiệm để được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh lớn... Dẫu vậy, các địa phương cũng nên cân nhắc đến lợi ích lâu dài của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên 2.500 trang trại (tăng 0,8% so với năm 2017), chiếm 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con (chiếm 9,9%). Điều này cho thấy xu hướng áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tai-dan-lon-sau-dich-benh-dau-la-giai-phap-an-toan-353971.html