Tái diễn 'bức tử' rừng thông để lấn chiếm đất rừng

Từ nhiều tháng nay, hàng trăm cây thông tại lõi Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (thuộc địa phận thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) xuất hiện tình trạng héo lá và chết không rõ nguyên nhân.

Đáng chú ý, toàn bộ số thông bị chết lại nằm cạnh khu vực canh tác của người dân, các gốc đều có các vết chặt phá, cho thấy tình trạng phá rừng thông để chiếm đất canh tác đang diễn ra khá phức tạp.

Một cây thông lớn ngã xuống để “nhường” đất cho những cây cà phê.

Một cây thông lớn ngã xuống để “nhường” đất cho những cây cà phê.

Tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Pleiku cắt qua lõi Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, lộ ra nhiều diện tích canh tác lâu năm của người dân bản địa với loại cây trồng chủ yếu là cà phê, hồ tiêu.

Ông Rơ Châm Dên (trú tại làng Sơr, xã Ia Kênh, thành phố Pleiku) là một trong những nông dân có đất canh tác nông nghiệp ở khu vực này cho biết, ông và gia đình đã trồng cà phê trên diện tích khoảng hơn 2 sào đất từ sau năm 1975. Tuy nhiên, ông lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ chứng minh khoảng đất nông nghiệp trên thuộc quyền sở hữu của gia đình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh phần đất canh tác nông nghiệp của ông Dên, nhiều cây thông đã ngả màu úa và chết. Nguyên nhân là do gốc của những cây thông này đều bị chặt xung quanh hoặc bị chặt một bên gốc. Thậm chí, khi cây thông chưa ngã, những hố đào trồng cà phê đã xuất hiện. Thực trạng này không chỉ xuất hiện ở phần đất của ông Dên, mà còn ở các phần đất canh tác lân cận.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, đơn vị này được giao quản lý và bảo vệ khoảng 8.000ha rừng, nằm trên địa phận thành phố Pleiku và hai huyện Chư Păh, Ia Grai.

Tuy nhiên, chiếu theo bản đồ, các diện tích rừng này không liền kề mà có sự đan xen với diện tích canh tác của người dân. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

“Tình trạng người dân phá rừng thông để chiếm đất canh tác nông nghiệp đã xảy ra từ nhiều năm nay. Thông thường, người dân đến những cây thông ở vị trí cạnh rẫy của mình rồi làm cho cây chết đi bằng cách chặt xung quanh gốc hoặc chặt một bên gốc. Sau một thời gian, cây thông chết và ngã xuống, người dân liền đào hố và trồng cà phê hoặc hồ tiêu vào diện tích thông chết để lấn chiếm đất”, ông Nguyễn Tất Thành cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, cuối năm 2017, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã ban hành kế hoạch tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.

Việc làm này nhằm thu hồi toàn bộ diện tích rừng bị người dân lấn chiếm để canh tác nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để người dân tổ chức lại sản xuất, tăng thu nhập, đưa nghề rừng từng bước phát triển thông qua chính sách hỗ trợ ưu đãi của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Rừng thông đang dần bị bức tử để “nhường” cho cây cà phê.

Rừng thông đang dần bị bức tử để “nhường” cho cây cà phê.

Theo kế hoạch, trong ba năm, từ 2017 – 2019, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ sẽ phối hợp với các địa phương thu hồi tối thiểu 26ha đất bị lấn chiếm, thuộc địa bàn hai xã Gào và Ia Kênh, thành phố Pleiku.

Cụ thể, năm 2017 sẽ tập trung vận động người dân tự trả lại đất đã lấn chiếm cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Sau đó, đơn vị này sẽ tiến hành thu hồi diện tích bị lấn chiếm vào hai năm tiếp theo.

“Đến cuối năm 2018, mục tiêu của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ là thu hồi 19,1 ha đất rừng bị lấn chiếm. Tuy đến hết tháng 10/2018, đơn vị vẫn chưa tổ chức thu hồi song thời gian tới, chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện phương án cưỡng chế nếu người dân vẫn không tự nguyện trao trả đất cho đơn vị.

Cùng với đó, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không được chặt gốc thông để lấn chiếm đất rừng, khi phát hiện sẽ kiên quyết xử lý triệt để”, ông Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Gào, thành phố Pleiku cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân không phá rừng thông để làm nương rẫy.

Thậm chí, năm 2017, một đối tượng tại địa phương đã bị khởi tố hình sự về hành vi phá rừng thông của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân trong xã, đối tượng này đã phải nhận mức án 3 năm tù giam.

Ngoài ra, UBND xã Gào đã nhiều lần xử lý hành chính đối với những người dân có hành vi phá hoại rừng thông. Tuy nhiên, vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn tập quán phá rừng làm nương rẫy của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn nữa, cùng với Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tiến hành cưỡng chế để thu hồi lại đất rừng để răn đe, làm gương cho những người dân khác”, ông Trần Ngọc Thanh khẳng định.

Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/tai-dien-buc-tu-rung-thong-de-lan-chiem-dat-rung-20181107145928420.htm