Tái diễn đi ngược chiều trên Đại lộ Thăng Long: Tổ chức giao thông thiếu khoa học
Bất chấp quy định và nguy hiểm, nhiều phương tiện vẫn nối đuôi nhau chạy ngược chiều trên đường gom Đại lộ Thăng Long.
Thản nhiên như đường hai chiều
17 giờ ngày 19/7, đường Sa Đôi, đoạn nối từ Tỉnh lộ 70 ra đường gom Đại lộ Thăng Long (thuộc địa phận quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đông như mắc cửi. Từng hàng dài phương tiện nối đuôi nhau phóng đi vun vút, hướng thẳng về trước. Đến nút giao Sa Đôi – Đại lộ Thăng Long, bất chợt một hàng dài xe máy từ phía đối diện băng cắt qua đường gom Đại lộ rồi nhập làn với đường Sa Đôi - cho dù đây là làn đường một chiều. Nếu không phải là người địa phương hoặc không thường xuyên đi lại trên trục đường này, nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là đường 2 chiều.
Từ đầu tháng 3/2020, Sở GTVT Hà Nội thực hiện phân luồng để bảo đảm ATGT tại đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long. Theo đó, đoạn từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến nút giao cầu vượt đường 70 tổ chức giao thông một chiều. Người dân tham gia giao thông theo hướng Lê Quang Đạo đi Sa Đôi phải di chuyển theo đường Châu Văn Thêm, rồi đi dọc Đại lộ Thăng Long khoảng gần 2km, sau đó quay đầu dưới hầm chui để đi về đường Sa Đôi.
Tuy nhiên, từ khi có quy định phân luồng, tình trạng người dân đi ngược chiều tại đoạn đường này vẫn diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt vào cuối giờ chiều khi các cơ quan, công sở tan làm, từng hàng dài phương tiện (chủ yếu là xe máy) nối đuôi nhau di chuyển từ ngã 3 Lê Quang Đạo – Đại lộ Thăng Long đến nút giao Sa Đôi – Đại lộ Thăng Long. Thậm chí, nhiều xe máy chở hàng cồng kềnh sẵn sàng tạt đầu các phương tiện khác để băng cắt qua đường khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải thót tim.
Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1972, trú tại quận Nam Từ Liêm) – làm nghề bán hàng nước lâu năm ngay đầu phố Sa Đôi cho biết, tình trạng đi ngược chiều ở đây xảy ra như cơm bữa nhưng rất hiếm khi thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng hoặc nếu có thấy bóng dáng CSGT hay TTGT, mọi người lại “chim lợn” cho nhau quay đầu. Ngay khi lực lượng chức năng rút đi, đâu lại vào đó. “Mỗi lần chỉ vài trường hợp bị xử phạt. Nếu bắt hết những người đi ngược chiều thì không xuể” – chị Hương cho biết thêm.
Có lỗi của cơ quan quản lý
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến nhiều người dân tham gia giao thông vi phạm nói trên xuất phát từ việc tổ chức giao thông trên tuyến đường này không hợp lý, thiếu khoa học. Mặc dù cấm người dân đi ngược chiều nhưng suốt một đoạn dài đến vài cây số trên tuyến, tìm mỏi mắt cũng không có hầm chui hay cầu vượt để sang đường. Chính vì thế, thay vì chấp hành đúng quy định, nhiều người đã liều lĩnh “đánh cược” mạng sống để đi tắt về nhà cho gần. Đây cũng được cho là nguyên nhân chính khiến tình trạng đi ngược chiều ở đoạn đường này không hề có dấu hiệu thuyên giảm mà càng tăng cao.
Anh Nguyễn Công (trú tại Tổ dân phố Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, anh hiện công tác ở Bệnh viện Medlatec Mỹ Đình (đường Nguyễn Hoàng). Mỗi lần đi làm về, dù biết là đường ngược chiều nhưng vì không muốn phải đi một đoạn đường xa hơn nên anh thường chấp nhận chạy ngược chiều, đoạn từ ngã ba Lê Quang Đạo – Đại lộ Thăng Long về đường Sa Đôi cho gần. “Vẫn biết đi như thế là nguy hiểm nhưng sẽ nhanh hơn rất nhiều. Với lại, rất nhiều người cũng đi ngược chiều như mình nên tôi cũng thấy đỡ sợ hơn” – anh Công nói.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người dân vi phạm luật giao thông ở các đô thị lớn là do cách tổ chức giao thông thiếu khoa học, gây bất tiện cho người đi đường, trong đó Hà Nội là nơi điển hình nhất. Ông Thanh nhận định, muốn chấm dứt hoàn toàn tình trạng đi ngược chiều trên Đại lộ Thăng Long, cách tốt nhất là nên tổ chức lại giao thông để người dân đi đúng luật nhưng vẫn thuận tiện. “Đi đúng chiều mà phải vượt qua quãng đường xa gấp mấy lần, nhiều người họ chấp nhận đi ngược chiều cũng là điều dễ hiểu” – ông Nguyễn Văn Thanh nhận định.