Tái diễn giả mạo bác sĩ để lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng
Sau vụ Công an tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang triệt phá 2 đường dây tội phạm chuyên giả danh bác sĩ nổi tiếng, giả danh giám đốc bệnh viện trung ương để lừa đảo bán thực phẩm chức năng, hiện tượng này vẫn được tiếp diễn trên mạng xã hội. Mới đây, một bác sĩ chuyên ngành ký sinh trùng đã lên tiếng về việc bị mạo danh bán thuốc trên mạng.
Bà Phạm Thị Mai (65 tuổi, Quảng Ninh) bị hôi miệng và lên mạng tìm hiểu về căn bệnh này. Tình cờ, bà thấy trên một trang facebook quảng cáo “ai miệng hôi muốn chữa hãy tìm đến TS.BS Trần Huy Thọ, Bệnh viện Ký sinh trùng Trung ương, có nhiều năm kinh nghiệm, điều chế ra một loại thuốc chữa hôi miệng do ký sinh trùng”. Trang này còn quảng cáo, có người bị hôi miệng nhiều năm không khỏi nhưng BS Thọ đã chữa được. Ai cần thì nhắn tin, nhân viên trang mạng này sẽ hướng dẫn mua thuốc.
“Theo quảng cáo của trang mạng này, mẹ tôi muốn gặp bác sĩ Thọ để mua thuốc chữa bệnh. Tình cờ tôi có người quen biết TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương, tôi gọi điện hỏi thì BS Thọ cho biết, đây là giả danh tên tuổi của bác sĩ để lừa đảo, bác sĩ và Viện không bán bất cứ loại thuốc nào”, chị Nguyễn Thị Thảo, con gái bà Mai cho hay.
Theo chị Thảo, trường hợp của mẹ chị may mắn biết BS Thọ nên mới biết sự thật, nếu không, nhiều người tin vào quảng cáo và uy tín của bác sĩ, dễ dàng bị lôi kéo, lừa gạt mua thuốc. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, ông nhận được điện thoại của một số người hỏi “có phải bác sĩ quảng cáo thuốc ecoclean trên mạng không? Nhưng tôi không làm việc đó, tôi bị lạm dụng hình ảnh. Họ lấy hình ảnh của tôi cách đây 20 năm đưa vào quảng cáo bán thuốc ký sinh trùng, miêu tả bằng bài viết mà tôi không trả lời như thế bao giờ. Tôi sẽ mời luật sư để bảo vệ danh dự của mình, không để hình ảnh của mình bị lạm dụng và để người dân hiểu sai”, BS Thọ cho biết.
Ngày 4/1, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội đang có tình trạng sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đặc biệt là tình trạng lạm dụng hình ảnh của các bác sĩ, dược sĩ có uy tín đã nghỉ hưu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo TS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thủ đoạn của các đối tượng là livestream mặc quân phục, mặc áo bác sĩ, giới thiệu đã điều trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân, đưa ra bằng chứng giả mạo để người dân tin. Đối tượng còn trực tiếp điện thoại đến người bệnh, đặc biệt người cao tuổi để giới thiệu, tư vấn thuốc, kèm theo thủ đoạn đe dọa về sức khỏe và dẫn dắt người bệnh tin, bỏ số tiền lớn để mua những liều điều trị của đối tượng giả mạo. Vì tin vào đối tượng giả mạo, nhiều người tiêu dùng đã phải chi khoản tiền rất lớn, đến hàng trăm triệu đồng để mua thực phẩm chức năng, có người ngoài khả năng chi trả phải vay mượn. Bên cạnh thiệt hại về kinh tế thì thiệt hại về sức khỏe và tính mạng là vô cùng nguy hiểm. Người tiêu dùng khi sử dụng những thực phẩm chức năng này không những không khỏi được bệnh mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, làm lỡ cơ hội chữa bệnh.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Bà Nga cho biết, thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn quảng cáo giả mạo cũng như cung cấp những nguồn tin có giá trị cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý hình sự. Đồng thời, Cục phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) để kiểm soát các website thương mại điện tử và yêu cầu gỡ bỏ các website vi phạm.
“Chúng tôi trực tiếp làm việc với đại lý quảng cáo, facebook để đưa ra những yêu cầu về phía Việt Nam liên quan đến việc phát hành thông tin quảng cáo không đúng sự thật trên facebook. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo trên website của Cục An toàn thực phẩm những quảng cáo sai phạm, thông tin giả mạo để người tiêu dùng biết và nhận diện, tránh bị mắc lừa. Sự phối hợp này bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể”, bà Nga cho biết.
Để ngăn chặn các “làn sóng” giả mạo đang tăng cao trong dịp Tết, thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành để xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó có xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật. Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo tới người tiêu dùng, không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Người dân nên chọn mua các thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua, nhận sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.