Tái diễn nạn dùng điện kích cá trên kênh, sông ở TP.HCM
Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.
Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh đến fanpage PLO của báo Pháp Luật TP.HCM: Tại một số khu vực sông, kênh rạch tại TP.HCM như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sông Sài Gòn đã tái diễn tình trạng một số đối tượng sử dụng bộ kích điện để bắt cá, tận diệt nguồn thủy sản.
Dùng xuồng máy tốc độ cao đi kích cá
Từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên (PV) đã đi quan sát thực tế nhiều ngày trong tháng 1. Ghi nhận của PV tại sông Sài Gòn khu vực đoạn chảy qua phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (trước quán cà phê Tony Riverside) xuất hiện một người đàn ông và một phụ nữ đang di chuyển bằng xuồng máy với tốc độ cao.
Hai người này mang theo bộ kích điện và đang kích cá tại đây. Cá kích đủ các loại như cá trê, rô phi… Điều đáng nói là khi khai thác bắt bằng bộ kích điện thì cá lớn, cá nhỏ gì đều bị gom hết vào xuồng.
Theo tìm hiểu của PV, khu vực này trước đây cũng là một điểm nóng về nạn kích cá. Ở khu vực này có chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh), Phật tử cũng thường hay thả cá phóng sinh.
Một khu vực khác cũng xảy ra tình trạng kích cá tương tự là trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Ông Phan Mỹ, người dân hay đi tập thể dục ở cầu số 7 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết thường xuyên bắt gặp những chiếc xuồng gắn động cơ sử dụng bộ kích điện bắt cá dưới kênh. “Cá dưới kênh này chủ yếu là cá trê, rô phi. Tôi thấy mấy xuồng đi kích điện bắt cá thường xuyên ở đây nhưng không thấy cơ quan chức năng nào cử người ra ngăn chặn. Biển báo cấm câu cá, bắt cá ghi đầy ra đó nhưng có ai chấp hành đâu!” - ông Mỹ nói.
Bà Nguyễn Thị Năm, người dân sống ở khu vực này, cho biết cách đây chừng một năm, đoạn kênh gần chùa của người Khơme thường có người cho cá ăn, mỗi lần cho ăn phải mất hai xô cơm mà không đủ. Cá trồi lên nghẹt cả một khoảng kênh, có những con to tầm cả hơn 4 ký. Gần đây, nhiều xuồng đi kích cá bằng điện, không thấy còn cá nhiều như trước nữa.
“Họ đi kích cá bằng điện kiểu này thì cá nào sống nổi. Bắt cá kiểu tận diệt vậy mà không thấy ai xử lý, dân chúng tôi quanh đây rất bức xúc!” - bà Năm chia sẻ.
Đã tăng mức phạt so với trước
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Đình Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM (chi cục), cho biết theo số liệu thống kê, trong năm 2020 đã xử lý bảy vụ liên quan đến hành vi dùng điện kích cá. So với cùng kỳ năm 2019 (12 vụ) và những năm trước đó đã giảm đi đáng kể.
“Cái khó mà chúng tôi gặp phải trong công tác quản lý, phát hiện là các đối tượng không phải là người địa phương mà từ nơi khác tới. Bên cạnh đó, phương tiện di chuyển của các đối tượng là những xuồng, ghe nhỏ gắn động cơ chạy rất nhanh, dễ luồn lách khi gặp lực lượng chức năng. Ngoài ra, nhận thức pháp luật của một số người còn hạn chế nên khi bị xử lý, có trường hợp một số đối tượng đã chống trả, gây thương tích cho người thi hành công vụ” - ông Hiển chia sẻ.
Ông Hiển thông tin: Năm 1998, Thủ tướng đã ban hành hẳn Chỉ thị số 01/1998 nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.
Đến năm 2014, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị số 19 có nội dung tiếp tục đẩy mạnh, triển khai thực hiện Chỉ thị 01. Như vậy, những hành vi dùng xung điện để khai thác thủy sản như những trường hợp trên là bị nghiêm cấm. Các đối tượng kích cá như đã nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật.
Thông tin thêm, phó chi cục trưởng cũng cho biết so với quy định trước đây tại Nghị định 103/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì Nghị định 42/2019 thay thế mới đây đã có mức phạt cao hơn.
Cụ thể, phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đối với trường hợp không sử dụng tàu cá (quy định trước đây chỉ phạt 1-2 triệu đồng). Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu công cụ kích điện.
Chi cục đã và đang thực hiện các giải pháp như: Phối hợp với chính quyền địa phương, với các chùa để tuyên truyền cho các Phật tử trong chùa phóng sinh đúng cách, đúng khu vực, đúng loại cá phù hợp tại khu vực đó. Thực hiện in tờ rơi tuyên truyền phát cho các địa phương, các khu phố, tổ dân phố tại các khu vực thường xuyên xuất hiện các đối tượng kích cá…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết qua kiểm tra rà soát, không có tình trạng người dân trên địa bàn phường dùng ghe và sử dụng cần kích điện tại sông Sài Gòn.
Xảy ra tình trạng trên là do một số ghe đi từ nơi khác đến để kích cá của một số người dân thả cá phóng sinh vào ngày rằm. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ phối hợp với chi cục tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng nêu trên, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đối với các hộ dân dọc hai bên bờ sông.
“Khó khăn của địa phương đang gặp phải là các thuyền kích cá do người dân từ nơi khác đến, phường không có phương tiện đường sông để kiểm tra, xử lý” - chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức chia sẻ.
Đường dây nóng để phản ánh nạn kích cá bằng điện
Khi có thông tin liên quan đến hành vi vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại TP.HCM, người dân có thể liên hệ tới một trong những nơi sau để phản ánh:
- Chi cục Thủy sản TP.HCM tại địa chỉ 126GH Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Số điện thoại: 02839902743 hoặc 02839904774. Email: ccts.snn@tphcm.gov.vn.
- Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cần Giờ: 02838740190.
- Trạm thủy sản An Nghĩa: 02838747036.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/tai-dien-nan-dung-dien-kich-ca-tren-kenh-song-o-tphcm-964982.html