Tái diễn nạn ném đá lên tàu hỏa, dùng chướng ngại vật chặn đường ray: Phải nghiêm trị!
Sau thời gian tạm lắng xuống thì những tháng cuối năm 2024 cho đến nay tình trạng ném đá vào đoàn tàu đang chạy gây nguy hiểm đến tính mạng của lái tàu, nhân viên phục vụ, hành khách tiếp tục diễn ra. Đặc biệt còn xuất hiện hành vi dùng bê tông và các loại vật cản khác chắn ngang đường ray, nếu cơ quan Công an không kịp thời phát hiện thì không biết hậu quả sẽ nghiêm trọng thế nào khi đoàn tàu cán qua.
Tổn hại cả vật chất lẫn tinh thần
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó trưởng phòng An toàn, Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn cho biết, tình trạng ném đá vào đoàn tàu đang chạy xảy ra ở hầu hết các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua. Chỉ tính từ tháng 7/2024 đến nay, trên tuyến đường sắt từ Đà Nẵng trở vào đã xảy ra 26 vụ ném đá vào đoàn tàu, trong đó ghi nhận tại địa phận hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chiếm 2/3 số vụ việc và xảy ra nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua khi người dân trở về quê ăn Tết.

Km 1696+400 thuộc tuyến đường sắt từ ga Biên Hòa đi ga Hố Nai thường xuyên xảy ra tình trạng ném đá vào tàu (Ảnh cắt từ camera hành trình của tàu SNT11 bị ném vỡ kính vào ngày 1/2/2025).
Qua trích xuất camera hành trình gắn trên đầu máy xe lửa và trực trực tiếp tham gia cùng cơ quan chức năng xử lý những vụ việc này cho thấy, thủ phạm chủ yếu là các cháu học sinh nam hoặc trẻ chưa đến tuổi thành niên, một số ít trường hợp khác do người lớn say rượu, bia hoặc hận vì đoàn tàu trước đã đụng chết gia súc, gia cầm của họ nên ném đá trả thù vào đoàn tàu sau.
Một điều cần báo động là chỉ trong vòng một tháng qua đã xảy ra 5 vụ ném đá lên tàu hỏa ở Khánh Hòa, Ninh Thuận. Điển hình vào lúc 17h50 ngày 18/1/2025, tàu SE6 khi chạy qua khu gian Hòa Tân - Cây Cầy thuộc địa phận huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa thì bị người đứng dưới đường ném đá làm vỡ 1 tấm kính cửa sổ di động phía bên trái hướng tàu chạy. 18h44 ngày 24/1/2025, tàu TN3 khi đi qua khu gian Hòa Tân - Suối Cát thuộc địa phận huyện Diên Khánh cũng bị ném đá tại phía bên trái theo hướng tàu chạy làm vỡ 1 cửa kính. Gần đây nhất vào lúc 16h50 ngày 16/2/2025, đoàn tàu SE9 xuất phát tại ga Hà Nội, khi đến km1255+300 thuộc khu gian Giã - Hòa Huỳnh thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa thì bị một số người ném đá lên tàu làm vỡ kính cửa sổ tại hành lang.
Trong thời gian này, tại địa phận tỉnh Ninh Thuận cũng xảy ra một số vụ ném đá vào tàu gây hư hại thiết bị, khiến cho tàu phải dừng lại nhiều giờ để lập biên bản bàn giao giao cho Công an địa phương xử lý, làm tổn hại đến tâm lý và thời gian chờ đợi của hành khách. Trong số này, có thể kể đến vụ việc xảy ra vào lúc 10h02 ngày 3/2/2025, khi đoàn tàu mang số hiệu 916 SE7 đang lưu thông từ phía Bắc vào đến km 1399+500 (đoạn giữa ga Phước Trinh và ga Tháp Chàm) thì bị một nhóm thiếu niên dùng đá ném vào tàu làm vỡ tấm kính bên phải theo hướng tàu chạy.
Ngay sau đó, đoàn tàu phải dừng lại để lái tàu kiểm tra thiệt hại rồi mời Công an địa phương đến lập biên bản, còn nhân viên thì vừa kiểm tra xem có hành khách nào bị thương hay không để đưa đi cấp cứu, vừa trấn an tinh thần những hành khách còn lại để họ yên tâm về đến ga cuối cùng.

Cơ quan Công an xử lý ông H.V.H. về hành vi ném đá vào tàu SE6.
Ngoài trẻ vị thành niên do không hiểu biết, chỉ xem như trò chơi trẻ thơ nên đã ném đá vào tàu thì thời gian qua còn xuất hiện những trường hợp người lớn thả rông gia súc bị tàu cán chết hoặc bị bụi do tàu chạy qua đã xuống tay ném đá trả thù vào chuyến tàu sau. Trường hợp của ông H.V.H, sinh năm 1973 tại thôn Đông Thịnh, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một điển hình. Chiều tối ngày 26/9/2024, sau khi ăn nhậu với nhóm bạn, ông H đạp xe đạp ra khu vực gần đường sắt thuộc địa phận thôn Tân Phố, xã Gia Phố để hóng mát. Lúc này, đoàn tàu SE6 di chuyển qua làm bụi bay vào mặt, vào người khiến ông H tức giận.
Để trả thù, ông H nhặt đá và ném vào đoàn tàu. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tổ lái đã cho tàu dừng lại rồi mời Công an huyện Hương Khê đến hỗ trợ xử lý, đưa ông H về trụ sở lấy lời khai để có biện pháp xử lý thích đáng, đồng thời yêu cầu ông viết cam kết về việc không tái phạm ném đá lên tàu hỏa. Mặc dù chỉ bị vỡ một ô kính và không gây thương vong cho ai, nhưng đã làm gián đoạn thời gian chạy tàu, nhiều chuyến khác phải dừng nhiều giờ chờ thông đường và đặc biệt là làm cho hành khách hoang mang, lo lắng.
Cũng theo ông Sơn, đối với mỗi vụ việc xảy ra, Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn đều trích xuất camera hành trình gắn trên tàu giao cho Phòng 2, Cục Cảnh sát giao thông có biện pháp điều tra, xác định chính xác đối tượng gây ra vụ việc để xử lý. Ngoài ra, cũng đề nghị Ban an toàn giao thông đường sắt phối hợp với Ban an toàn giao thông và Công an các tỉnh, thành tổ chức tuyên truyền đến từng bậc phụ huynh cư trú trong khu vực có tuyến đường sắt chạy qua để giáo dục con em mình, còn đối với người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật thì răn đe, giáo dục và nếu gây hư hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, gây thương tích cho hành khách thì xử lý theo pháp luật.
Theo lời của ông Quốc Tuấn, trong đời lái tàu, ông từng không ít lần bị đá ném vào đầu máy gây vỡ kính và cũng vài lần bị ném đá vào toa hành khách. Sau mỗi lần bị ném đá, tuy chưa gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng đã khiến ông rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng, thậm chí bị stress. Nếu tàu đang chạy gần đến cung đường giao cắt, nhưng đột nhiên một cục đá lớn va đập mạnh làm vỡ kính chắc chắn sẽ khiến lái tàu giật mình, hoảng loạn nên chắc chắn sẽ không kịp thực hiện động tác kéo còi, giảm tốc độ và như vậy sẽ rất nguy hiểm nếu có phương tiện giao thông băng ngang qua, tài sản Nhà nước và tính mạng hành khách sẽ ra sao khi tai nạn xảy ra…
Cần nhiều giải pháp để ngăn chặn triệt để
Ông Phạm Vĩnh Phú, Phó giám đốc xí nghiệp đầu máy Sài Gòn cho biết, mặc dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, Công an các địa phương cũng đã làm việc và yêu cầu các bậc phụ huynh cam kết giáo dục con em gây ra vụ việc ném đá vào tàu không vi phạm nữa. Tuy nhiên tình hình chỉ lắng xuống được một thời gian ngắn, sau đó lại tái diễn gây hoang mang, lo lắng cho lái tàu, nhân viên phục vụ và hành khách.

Kính tàu SE9 vỡ vụn khi bị ném đá ở cung đường qua huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Qua khảo sát thực tế trên suốt tuyến đường sắt từ Đà Nẵng trở vào cho thấy những đợt học sinh được nghỉ hè, nhưng hầu hết các bậc phụ huynh có nhà nằm trong khu vực có đường tàu đi qua đều là người lao động không có nhiều thời gian quản lý nên các cháu thường tụ tập chơi với nhau rồi thi xem ai ném đá vào tàu chuẩn hơn. Khi cơ quan chức năng đến làm việc, các cháu đều hồn nhiên trả lời rằng chỉ nghĩ đấy là trò chơi chứ không biết hậu quả nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của lái tàu, nhân viên phục vụ và hành khách. Đối với các bậc phụ huynh, họ cũng chỉ nghĩ rằng đấy là quy định của ngành đường sắt, và chỉ đến khi được nghe giải thích về việc hành vi này ngoài gây nguy hiểm, còn làm thiệt hại về tài sản, kinh tế bởi khi kính vỡ sẽ phải thay thế mới; tàu bị ném đá phải dừng lại để làm việc gây ách tắc cho giao thông đường sắt thì họ mới nhận thức được vấn đề.
Không chỉ ném đá, một số trẻ vị thành niên, thậm chí cả người lớn còn vô tư lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, có người đặt chướng ngại vật trên đường sắt gây đe dọa an toàn chạy tàu. Mới đây, Công an tỉnh Bình Thuận đã kịp thời ngăn chặn một vụ việc dạng này. Cụ thể vào ngày 4/2/2025, qua công tác tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, Công an huyện Hàm Thuận Bắc phát hiện tại đường ngang biển báo Km1548+180 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận bị một số cột bê tông chắn ngang đường.
Xác định đây là hành vi nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an xã Hàm Hiệp và Tiểu ban An ninh trật tự đường sắt khu vực Bình Thuận vào cuộc tiến hành điều tra làm rõ. Qua xác minh, xác định trong ngày các ngày 3 và 4/2/2025, 2 thiếu niên tên L.P.T và P.Đ.L (cùng SN 2011, cùng trú tại xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) đã đặt một số chướng ngại vật là đá tảng và cột bệ tông trên đường sắt với mục đích đùa nghịch. Do các cháu còn đang ở tuổi vị thành niên nên các đơn vị phối hợp đã lập biên bản rồi giao về cho gia đình giáo dục, quản lý, đồng thời yêu cầu các bậc phụ huynh cam kết giành nhiều thời gian nuôi dạy con hơn để không tái phạm…

Công an tỉnh Bình Thuận gỡ bỏ những khối đá, cột bê tông chắn ngang đường ray.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua còn xảy ra 5 vụ ném đất đá lên các đoàn tàu chở khách, đa số xảy ra ở các khu vực hoang vắng, ít người qua lại. Trong đó có 3 vụ việc xảy ra tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, 1 vụ tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và 1 vụ tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc làm vỡ 6 tấm cửa kính các toa tàu, uy hiếp trực tiếp đến an toàn vận hành và an toàn của hành khách, làm gián đoạn chạy tàu.
Cũng theo ông Phú, hàng năm, ngành đường sắt đã xây dựng nhiều chương trình, phối hợp tuyên truyền về an toàn giao thông đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất những vụ vi phạm, những vụ tai nạn không đáng có thì chỉ ngành đường sắt thôi là chưa đủ, mà rất cần Ban An toàn giao thông và Công an các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt chạy qua tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện các đối tượng nào thường gây ra hành vi ném đá vào tàu để có biện pháp xử lý. Mặt khác, việc xử lý sau khi làm rõ đối tượng chủ yếu là biện pháp hành chính, phạt tiền, nhắc nhở chứ chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự nên ít có tác dụng răn đe, ngăn chặn đối với các hành vi ném đất đá lên tàu. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần xây dựng khung pháp lý, tăng nặng mức phạt để răn đe.
Song song với đó là lắp thêm camera an ninh trên một số đoạn đường sắt thường xảy ra tình trạng ném đá vào tàu, tận dụng cả các camera an ninh do Công an các địa phương quản lý để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các địa phương cũng cần kết nối, bàn bạc với các trường trung học, tiểu học để nhà trường cùng các thầy cô giáo lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục đến các cháu học sinh trong những giờ sinh hoạt văn nghệ, thể dục, trò chơi, kỹ năng thoát hiểm để các cháu dần hiểu được những hệ lụy của hành vi ném đá vào tàu, qua đó tự kiểm soát được bàn thân, nói không với hành vi này…