Tái diễn nạn phá rừng ở miền núi Phú Yên
Từ nguồn tin của người dân, giữa tháng 9/2022, PV Báo CAND tìm hiểu thực tế tình trạng phá rừng tái diễn ở xã miền núi Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên). Từ Quốc lộ 19C, chúng tôi đi xe máy vượt qua mấy triền đồi, sau đó tiếp tục đi bộ thêm một chặng dài nữa mới đến được hiện trường vụ phá rừng…
Trước mắt chúng tôi, một vạt rừng tự nhiên bị đốn hạ tan hoang để lại gốc cây còn thơm mùi gỗ và ngổn ngang cành lá mới héo úa. Bên cạnh, những cây gỗ nhỏ đã bị đốn hạ trơ gốc là dấu tích những cây gỗ lớn với vết cắt bằng cưa máy, trong đó có nhiều cây lim, da, bằng lăng, mít nài. Thậm chí có những cây bằng lăng cổ thụ cao hơn chục mét vừa bị đốn hạ để lại mặt gốc có đường kính 1-1.2m, thân cây đã bị cắt thành nhiều khúc dài 3-5m, nhưng "lâm tặc" chưa kịp cẩu kéo. Một số cây đã được cưa xẻ thành gỗ hộp, ván tấm đang bỏ dở tại hiện trường. Đi thêm nhiều chặng nữa, chúng tôi nhìn thấy những vạt rừng khác với nhiều cây muồng đen ở tiểu khu 162, cây trang nước ở tiểu khu 165 cũng bị đốn hạ, còn lại ngổn ngang cành lá. Những vạt rừng bị tàn phá thuộc địa bàn hai thôn Tân Thuận và Tân Thành, xã Sơn Hội.
Sáng 16/9, chúng tôi đến Trạm bảo vệ rừng Sơn Hội nằm bên Quốc lộ 19C. Nam nhân viên đang trực ở đây cho biết, Trưởng trạm cùng một số đồng nghiệp đang vào rừng phối hợp cán bộ xã Sơn Hội kiểm tra hiện trạng phá rừng. Trưa cùng ngày, qua trao đổi, ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội cho biết, đầu tháng 9/2022, tổ công tác của xã đã kiểm tra, xác định một điểm phá rừng trên diện tích khoảng 1.200m2 ở khu vực sông Cồn trong tiểu khu 162 và đã lập biên bản vụ việc, nhưng do cán bộ chức trách đang bận đi kiểm tra vị trí phá rừng mới, nên chưa thể cung cấp. Ông Tây cho biết, một số người dân có nương rẫy canh tác ở kế bên tranh thủ cơ hội để phá rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được đối tượng phá rừng; ngay cả các điểm phá rừng cũng chưa rõ thuộc lâm phần do xã Sơn Hội, hay Ban Quản lý rừng (BQLR) phòng hộ huyện Sơn Hòa quản lý (!?). Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Thu, Phó Giám đốc phụ trách BQLR phòng hộ huyện Sơn Hòa trao đổi rằng, những vạt rừng bị phá ở các điểm nêu trên đều do xã Sơn Hội quản lý. Thêm một câu hỏi đặt ra là "lâm tặc" sử dụng máy cưa đốn hạ cây gỗ với âm thanh réo vang giữa ban ngày, lẽ nào những cán bộ có trách nhiệm không nghe thấy để kịp thời đấu tranh ngăn chặn?
Liên quan đến tình trạng phá rừng ở phía Tây Bắc huyện Sơn Hòa, xin được nhắc lại, cách đây một năm, trong tháng 8 và 9/2021, PV Báo CAND đã xâm nhập thực tế, phản ảnh 2 vụ phá rừng ở hai xã Sơn Hội và Sơn Định. Từ nguồn tin này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã vào cuộc khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định thiệt hại, tiến hành các hoạt động điều tra, xác định dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án hình sự theo quy định pháp luật và đã có 8 đối tượng liên quan vụ phá rừng tại tiểu khu 162 ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội bị khởi tố về hành vi hủy hoại rừng; trong số đó có 2 đối tượng chủ mưu là Phạm Văn Anh (SN 1980) và Phạm Văn Thành (SN 1987), cùng trú ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, Sơn Hòa. Diện tích rừng bị đốn hạ hơn 3,1ha, tổng giá trị thiệt hại hơn 110 triệu đồng.
Cùng hành vi trên còn có 24 đối tượng đốn hạ, phát dọn hơn 8,7ha rừng với tổng giá trị thiệt hại hơn 556 triệu đồng tại khoảnh 6, tiểu khu 170 ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định đã bị khởi tố. Ngoài ra, Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, cán bộ lâm nghiệp xã Sơn Định cũng bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và 1 bị can bị khởi tố về hành vi không tố giác tội phạm.
Gần đây nhất, vào ngày 3/8/2022, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa phát hiện vụ phá rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 158, xã Sơn Hội. Từ biên bản vi phạm hành chính đối với bà Ngô Thị Tú Anh (SN 1980, trú ở thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, Đồng Xuân), đầu tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định xử phạt bà Anh 162,5 triệu đồng, đồng thời buộc đối tượng này trồng lại 2.600m2 đã bị tàn phá. Nóng bỏng, quyết liệt và nguy hiểm hơn, vào ngày 20/8, trong lúc tham gia cùng tổ công tác của xã Sơn Hội truy đuổi "lâm tặc", Thượng úy Nguyễn Quốc Kỳ, cán bộ Công an xã đã bị trọng thương do tai nạn. Hiện anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.
Thực tế vừa kể cho thấy "lâm tặc" vẫn bất chấp pháp luật, ngang nhiên đốn hạ cây rừng ở phía Tây Bắc huyện Sơn Hòa để lấy gỗ, phát dọn rừng chiếm đất trồng keo. Bà Trương Thị Bích Liên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội xác nhận, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp từ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tuần tra kiểm soát đấu tranh ngăn chặn. Tuy nhiên, rừng thì nhiều đường lắm cửa, "lâm tặc" lắm mưu, nhiều kế, hơn nữa với diện tích hơn 5.300ha rừng và đất rừng nhưng không có cán bộ chuyên trách lâm nghiệp… Đó là những khó khăn thách thức lớn đối với xã Sơn Hội trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND huyện Sơn Hòa, Hạt Kiểm lâm, BQLR phòng hộ Sơn Hòa cần phải tăng cường nhân lực thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống phá rừng, bảo vệ những khoảng rừng còn lại tại xã Sơn Hội nói riêng và những địa phận có rừng ở huyện miền núi Sơn Hòa nói chung.