Tái diễn nhiều chiêu lừa tặng quà qua mạng tinh vi

Nhiều đối tượng giả mạo các thương hiệu lớn với chiêu thức tặng quà hay quay số trúng thưởng để lừa đảo...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 7/8, chị Trần Thị Giang (ở Hà Nội) cho biết, chị nhận được tin nhắn tư vấn mua túi da thương hiệu thời trang nổi tiếng Elly. Tư vấn viên chia sẻ, đây là chương trình hãng này áp dụng cho các mẫu túi xách và là sự kiện "tặng sản phẩm, không bán".

Thấy nghi vấn, chị Giang kiểm tra lại số điện thoại, địa chỉ của hãng thời trang thì phát hiện là các thông tin giả.

Hãng thời trang này xác nhận với chị Giang thông tin trên là không chính xác.

Thực tế, thời gian qua, nhiều người nhận được các tin nhắn qua zalo giả mạo các thương hiệu lớn như Siêu thị điện máy xanh, Shoppe... với mục đích tặng quà tri ân. Tuy nhiên, khi người dùng gửi thông tin thì các tài khoản này đã khóa máy.

Khi nhận được các tin nhắn tặng quà, cần phải xác thực lại thông tin để tránh bẫy lừa đảo.

Khi nhận được các tin nhắn tặng quà, cần phải xác thực lại thông tin để tránh bẫy lừa đảo.

Vào đầu tháng 8, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Đan Phượng triệt phá thành công ổ nhóm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Công an huyện Đan Phượng đã tạm giam 8 đối tượng trong ổ nhóm này để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng này gồm: Lê Hùng Công (SN 1988), Ngô Thị Thu Hiền (SN 2000), Trần Phương Dương (SN 1992), Trần Hữu Bắc (SN 1988), Trần Văn Thành (SN 1987), Lê Mạnh Oai (SN 1995), Trần Hoàng Phan (SN 2003), Trần Văn Nam (SN 1995), đều trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Theo điều tra, vào tháng 5/2023, Lê Hùng Công cùng Ngô Thị Thu Hiền thuê căn hộ ở Khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) để làm nơi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội Facebook. Cùng tham gia với Công và Hiền là 6 đối tượng còn lại.

Công là người cầm đầu nhóm trên. Đối tượng này “dựng” kịch bản các bước để lừa đảo bị hại và hướng dẫn từng người trong nhóm để thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đăng bài ở các hội, nhóm trên Facebook với nội dung tặng quà là điện thoại iPhone 14 Pro Max, sau đó sử dụng các tài khoản Facebook ảo lập sẵn nhắn tin qua ứng dụng Messenger với những người bình luận trong bài viết tặng quà để hướng dẫn họ cách nhận thưởng theo 5 bước.

Khi những người này cung cấp thông tin cá nhân thì các đối tượng yêu cầu bị hại phải nộp phí “xuất hóa đơn” là 200.000 đồng. Bị hại chuyển 200.000 đồng thành công thì các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiếp số tiền 500.000 đồng để làm hồ sơ xác thực thông tin người nhận thưởng.

Bị hại đã chuyển thành công 500.000 đồng thì các đối tượng yêu cầu chuyển tiếp 1,5 triệu đồng tiền làm thẻ bảo hành cho máy điện thoại. Sau bước 3, các đối tượng tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển tiếp số tiền 4 triệu đồng là tiền cọc giao hàng do đơn hàng giá trị cao.

Bị hại chuyển thành công 4 triệu đồng thì các đối tượng lại yêu cầu bị hại chuyển tiếp 5 triệu đồng là tiền thuế. Khi đã chuyển 5 triệu đồng thành công thì các đối tượng yêu cầu chuyển tiếp 6 triệu đồng để kích hoạt hồ sơ hoàn tiền nhận lại khi bưu tá giao hàng kèm tiền.

Bị hại có thể dùng 2 cách để gửi tiền, đó là gửi ảnh thẻ nạp điện thoại hoặc chuyển khoản vào tài khoản do Công cung cấp. Khi bị hại gửi thẻ điện thoại thì các đối tượng sẽ chụp ảnh và gửi đến Facebook “Liên Liên” để tiến hành đổi thẻ điện thoại thành tiền, mỗi lần chuyển sẽ phải chia cho người đổi 15% mệnh giá thẻ điện thoại, Công được hưởng lại 85% số tiền trên.

Sau khi các đối tượng lấy được tiền và thẻ nạp điện thoại của các bị hại thì Công và các đối tượng chiếm đoạt luôn và không gửi điện thoại như đã hứa hẹn. Vào chủ nhật hàng tuần, Công sẽ tổng hợp lại số tiền và phân chia cho các thành viên với tỷ lệ Công được hưởng 40%, các thành viên được hưởng 60% đối với từng vụ lừa đảo. Riêng Hiền được nhận toàn bộ số tiền mà Hiền lừa đảo chiếm đoạt được mà không phải ăn chia với Công.

Tỷ lệ chia trên là do Công đã thống nhất với tất cả các thành viên trong nhóm và đều được đồng ý.

Cơ quan công an cũng xác định được, các đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của các bị hại.

Mới đây, Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội xác minh, điều tra vụ giả danh nhân viên Viettel, lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng của người dân.

Theo đó, vào sáng ngày 26/7/2023, anh Đ (SN 1980; ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng giới thiệu là nhân viên Viettel thông báo khóa sim điện thoại do số điện thoại liên quan đến vi phạm pháp luật. Sau đó, đối tượng kết nối anh Đ. nói chuyện với một đối tượng khác tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội.

Các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP để kiểm tra. Sau đó, anh Đ phát hiện tài khoản bị mất 400 triệu đồng nên đã đến Công an phường Thượng Thanh trình báo.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tai-dien-nhieu-chieu-lua-tang-qua-qua-mang-tinh-vi.htm